tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Cải cách của Hồ Qúy Ly

Với thành công 3 lần chống quân Nguyên-Mông của nhà Trần, đất nước gặp nhiều khó khắn nhất định, song đã được khắc phục một cách rõ nét. Có thể thấy rằng, Đại Việt ta sau một thời gian phát triển phồn thịnh và mạnh mẽ từ thế kỷ XI đến nửa sau thế kỳ XIV (tức cuối đời nhà Trần) đã lâm vào một cuộc khủng hoảng nặng về, sâu sắc từ chính trị-xã hội đến kinh tế, văn hóa,…
Sự sa đọa, ăn chơi xa xỉ, vơ vét của dân là hành động của những tên hung quân bạo chúa; trong khi nhân dân đang lầm than cơ cực thì tròn triều lại chia bè kết phái, ăn chơi xa xỉ, vua thì không lo đến chuyện triều chính, bỏ bê quốc sách, không quan tâm đến việc triều chính. Bên ngoài thì nạn cướp bóc, trộm cắp xảy ra liên mien; các thế lực thù địch thì dòm ngó, lăm le xâm chiếm lãnh thổ Đại Việt.
Cuối đời nhà Trần, với sự thống lĩnh của Trần Dụ Tông (1341-1369), đất nươc mỗi lúc một nguy kịch trên mọi phương diện khi ông chỉ biết ăn chơi trát táng, không màn đến việc chính trị. Sử sách có ghi lại như thế này : Dụ Tông sai đào hố lớn ở vườn nơi ngụ hậu cung, trong hồ đất làm núi, bên bờ hồ trồng thông, trúc và nhiều thứ cây khác, thêm vào đấy nào là cỏ lạ, hoa thơm, nuông kỳ, chim quý.Bốn mặt khai thông cho nước song vào. Lại đào hồ khác, bắt dân chở nước mặn chứa vào hồ để nuôi cá, các hải sản. Bắt người Hoa châu chở cá sấu thả vào đấy… Đến vua còn không quan tâm đến việc triều chính thì bảo sao quan lại, người có chức quyền noi gương làm theo. Quan lại dựa vào quyền lực mà bóc lột nhân dân, vơ vét tài sản của dân đến cùng; chúng bắt dân xây dinh thự, chùa chiền cho chúng làm thú vui tiêu khiển. Nổi bật trong đám quan lại ấy, lại xuất hiện những kẻ nịnh bợ xảo trá; làm ảnh hưởng đến chính trị triều Trần. Mấy ai có được dung khí như Chu Văn An khi dâng sớ thất trảm đòi chém 7 tên nịnh thần nhưng lòng vưa không thấu, từ chối sớ của ông; Chu Văn An đã trả ấn, xin cáo quan về quê; ấy mới là tấm lòng của một vị quan chân chính. Sự tranh giành quyền lực giữa các tầng lớp quý tộc cầm quyền là điều không thể tránh khỏi; nó cũng làm lũng đoạn và rối ren cho bộ máy chính trị đương thời.
Vua, quan không lo đến triều chính, vì vậy mà nhân dân lâm vào cảnh khốn cùng. Không những thế, triều đình còn bắt dân phục vụ cho các cuộc chiến tranh xâm lược. Nạn vỡ đê, lũ lụt (9 lần: 1348, 1351, 1352, 1353, 1358, 1359, 1360, 1678, 1393), 11 lần hạn hán hoành hành làm nhân dân càng thêm khốn đốn, cùng cực hơn trước; hậu quả để lại vô cùng nặng nề, mất mùa, đói kém diễn ra liên miên. Họ bị mất dần tài sản, buộc một phần phải bán mình cho nhà giàu nhưng số kiếp làm nô tì lại khốn đốn hơn gấp nhiều lần. Từ đây, mẫu thuẫn xã hội mỗi lúc càng trở nên gay gắt, nhiều cuộc đấu tranh chống chính quyền đã xảy ra. Có thể nhận thấy rõ sự suy thoái của chính quyền nhà Trần đã đến tận cùng của sự thối nát và việc đấu tranh của nhân dân nổ ra là điều không thể nào tránh khỏi.
Từ sau thế kỷ XIV, Champa dần trở nên hùng mạnh và liên tiếp mở quân về phía Nam Đại Việt. Với sự suy thoái của chính quyền nhà Trần, việc chúng ta liên tiếp thất bại là điều dễ dàng nhận thấy. Nặng nhất có thể kể đến là tháng 10 năm 1839, quân nhà Trần do Hồ Qúy Ly dẫn đầu ở Thanh Hóa đã thất bại thảm hại dưới quân của Champa; kết quả là quân do ông dẫn đầu đã bị giết 70 tướng. Cuộc chiến với quân của Champa đã phần nào khẳng định sự suy yếu, lung lay đến cùng của nhà Trần.
Ở Trung Hoa đương thời, năm 1368, sau khi đã lật đổ nhà Nguyên, lập ra nhà Minh, vua Minh Thái Tổ dần ổn định bộ máy của mình và bắt đầu lấn quân đi xâm chiếm các nước khu vực, không ngoài Đại Việt nước ta. Không ngoài suy đoán, năm 1384, quân Minh đánh sang Vân Nam và bắt ta phải cống nạp cho chúng lương thực; nhà Trần phải cống nạp cho chúng 5000 thạch lương. Năm 1385, nhà Trần phải tuyển 20 nhà sư đưa sang Kim Lăng nộp cho nhà Minh. Năm 1386, nhà Minh lại đòi 50 thớt voi, chuẩn bị lương thảo dọc từ Nghệ An trở ra Bắc để vận chuyển đến vùng Vân Nam. Sự nhu nhược của chính quyền Trần đã bộc lỗ rõ sự suy thoái, mục nát của mình khi liên tiếp đáp ứng mọi yêu cầu do Trung Hoa đặt ra, bị động trong mọi hoàn cảnh và đã mất dần khả năng đấu tranh chống ngoại xâm như trước đây.
Con đường trở thành vua của một quốc gia diễn ra khá suông se theo những dự tính của Hồ Qúy Ly đã đặt ra trước đó. Năm 1375, Qúy Ly được phong chức Tham mưu quân sư, rồi giữ chức “Nhập nội chính thái sư Bình Chương quân quốc trọng sự, tuyên trung vệ đại vương” năm 1395 dưới sự ủy quyền của thượng hoàng Trần Nghệ Tông, cho đến lúc truất bỏ ngôi vua Trần, tự xưng là vua, thành lập nước Đại Ngu, nhà Hồ được xác lập từ 2/1400 đến đầu 1407, dưới sự quản lý của Hồ Qúy Ly, ông đã thi hành nhiều cải cách tiến bộ trên mọi phương diện đời sống xã hội.
-Về mặt chính trị, Hồ Qúy Ly, đã dần xóa bỏ phương thức sử dụng người của hoàng thất để nắm giữ các chức vụ chỉ huy quân sự cao cấp, đưa lực lượng trẻ vào nắm quyền, dần loại bỏ tôn thất nhà Trần ra khỏi bộ máy chính trị. Ông cho xây dựng lại bộ máy nhà nước, theo đó thống nhất sự quản lý từ trung ương đến địa phương. Năm 1379, ông đã thay đổi một số lộ trấn và tiến hành thực hiện quy định làm việc mới; lộ coi phủ, phủ coi châu, châu coi huyện. Ông tiếp tục loại bỏ tôn thất nhà Trần, thay vào đấy là nho sĩ trí thức. Hồ Qúy Ly đã thành công khi loại bỏ hang loạt những chức quan trong triều đình Trần và đến năm 1400 thì nhà Trần hoàn toàn sụp đổ. Chính quyền nhà nước thay bằng sự quản lý của nhà Hồ, dưới sự quản lý của Hồ Qúy Ly. Để có được nhân tài vào các vị trí quan trọng trong triều đình, ông đã tiến hành tổ chức các kì thi tuyển chọn quan lại, xã hội dần thay đổi sang chế độ quân chủ quan liêu từ cuối TK XIV đến đầu TK XV.
-Về quân sự, Hồ Qúy Ly cho xây dựng hệ thống quân sự vững mạnh và được cho là có số lượng hùng mạnh nhất trong lịch sử nước ta. Ông tiến hành cho lập sổ hộ tích để dễ bề quản lý dân cư và từ đó để có thể tuyển binh lính. Ông cho tổ chức lại quân Túc Vệ, đặt thêm các hiệu quân, tăng cường phát huy tính lỷ luật của quân đội, bài trừ những tưỡng sĩ không có thực lực, thay vào đó là những người có sức khỏe và nắm vững võ nghệ. Đặc biệt, Hồ Qúy Ly đã biến đổi quân đội thành các quân, đô, vệ mà người đứng đầu là các Đại tướng, Đô tướng, Đồng Đô tướng và Phó Đô tướng quân; cung với đó là các đơn vị đồng loạt đặt các chức: Đại Đội trưởng, Đại Đội phó, Đô đốc. Đô thống, Tổng quản và Thái thú.
Ngoài ra, ông còn cho tiến hành nâng cấp vũ khí và trang bị nhiều phương thức để tuyển các thợ giỏi làm vũ khí. Con trai cả của Hồ Qúy Ly là Hồ Nguyên Trừng đã phát kiến ra được một loại súng thần cơ có sức công phá mạnh mẽ, hơn hẳn các loại khí giới đương thời; đây cũng được coi là một loại đại bác đầu tiên ở nước ta. Ông còn cho thúc đẩy phát triển thủy binh của quân đội, mở các xưởng đóng thuyền để có thể chống lại nhà Minh- luốn lăm le xâm chiếm nước ta. Theo sử sách ghi lại thì Cổ lâu thuyền và Súng thần cơ là những sản phẩm mới nhất và là vũ khí lợi hại để nhà Hồ tấn công quân Minh. Hồ Qúy Ly còn cho xây dựng nhiều căn cứ điểm phòng thủ quân sự trọng tâm, các cửa biển và sông quan trọng đều được nhà Hồ đóng cọc dưới đó; hệ thống phòng thủ dài gần 400km từ núi Tản Viên đến cửa sông Thái Bình.
-Về luật pháp, nhà Hồ ban hành nhiều luật lệ và thực hiện những điều luật ấy, đây chính là phương pháp tích cực cho việc duy tân đất nước trên mọi phương diện. Theo như thư tịch cổ cho biết, Hồ Qúy Ly đã thực thi tới 30 lần ban hành luật lệ. Với phương pháp ban hành luật lệ, Hồ Qúy Ly đã chủ trương việc phát triển pháp quyền để xây dựng đất nước, bộ máy chính quyền theo thiết chế quân chủ quan lieu vừa mới hình thành đang còn non yếu, tạo thế bị động cho chính quyền Trần còn sót lại, trấn áp những cuộc nổi binh của nhân dân. Luật pháp thời nhà Hồ có sự đan xen kế thừa của các bộ luật thời Lý, Trần nhưng được tăng cường phát triển để đáp ứng nhu cầu của giai cấp cầm quyền nhà Hồ đang gặp phải sự chỉ trích của giới quý tộc Trần.
-Về kinh tế: năm 1397, theo sự yêu cầu của Hồ Qúy Ly, vua Trần đã ban hành chính sách hạn điền. Theo đó, đại vương và công chúa không hạn chế về số lượng ruộng đất (ruộng tư hữu) nhưng người dân thường thì không được quá 10 mẫu; người nào có nhiều ruộng mà phạm phải tội thì có thể dùng ruộng để chuộc hoặc số dư ra thì sung công. Để tăng hiệu quả cho phương thức hạn điền, năm 1398, Hồ Qúy Ly đưa quan lại về địa phương cho làm lại sổ ruộng đất. Ai có ruộng tư hữu thì phải ghi rõ số lượng và cắm tên mình trên thửa ruông ấy; sau 5 năm phải hoàn thành xong giấy tờ, ruộng không có ai cắm thẻ sẽ được nhà nước sung công.
-Về tài chính: Chính sách đặc biệt quan trọng của Hồ Qúy Ly chính là thu hồi tiền đồng, ban hành tiền giấy gọi là tiền “Thông bảo hội sao” gồm 7 loại: 1 quan (vẽ con rồng), 1 tiền (vẽ đám mây), 2 tiền (vẽ con rùa), 3 tiền (vẽ con lân), 5 tiền (vẽ con phượng), 10 đồng (vẽ rau rong) và 30 đồng (vẽ thủy ba). Mệnh giá 1 quan tiền đồng đổi bằng 1 quan 2 tiền giấy; ai làm tiền giả thì bị bắt tội chết, ai không sử dụng tiền giấy cũng xem như phạm phải tội làm giả tiền. Vì gặp sự phản ứng gay gắt từ phía nhân dân mà năm 1403, nhà Hồ cho bãi bỏ tội không sử dụng tiền giấy.
Năm 1402, nhà Hồ ban lại điều luật về chính sách thuế mới, cho định lại biểu thuế đinh và thuế ruộng. Thuế đinh chỉ đánh vào người được chia; người không có ruộng, trẻ mồi côi, đàn bà góa không phải nộp thuế. Thuế đánh theo lũy tiến: người có 5 sào ruộng nộp 5 tiền…-có trên 2 mẫu 6 sào nộp 3 quan
Thuế ruộng tư: 5 thăng/mẫu
Đất bãi thu: từ 3 quan đến 5 quan/mẫu
-Về xã hội: Hồ Qúy Ly ban hành chính sách hạn nô năm 1401, dựa vào cấp bậc mà có số lượng gia nô nhất định; số lượng quá quy định phải đem nộp cho nhà nước ngay. Mỗi gia nô, nô tì thừa được nhà nước trả bù cho 5 quan tiền; trừ những người mới nuôi hoặc giả là nô tì, gia nô người nước ngoài thì tất cả đều phải được đóng dấu trên trán người đó theo phẩm tước của chủ nhân. Gia nô của nhà nước thì thích hỏa châu (ngọc sáng có tia sáng tỏa ra như tia lửa) hoặc nạp vào quân Điện tiền; gia nô của công chúa thích kiểu dương đường (cây dương, cây đường); gia nô của đại vương thích vòng đỏ, gia nô của quan nhất phẩm, nhị phẩm thích vòng (khuyên) đen; gia nô của quan tam phẩm trở xuống thích hai khuyên đen. Sử dụng gia nô, nô tì phải có chúc thư ba đời trình ra cho nhà nước. Cùng lúc, Hồ Qúy Ly cho làm lại sổ hộ và ghi tất cả người dân từ 2 tuổi trở lên vào đó; dân phiêu tán bị loại khỏi sổ; dân kinh thành ngụ trú ở vùng này cũng phải về quê quán của bản thân.
Khi nhà Hồ chiếm được vùng từ Hóa Châu đến Cổ Lũy (bắc Quảng Ngãi), ông cho những dân không có ruộng đất mà có tài sản vào đây lập và giữ trấn lâu dài; cho người giàu nạp trâu bò vào nơi đây. Vào năm 1401, Hồ Quý Ly cho xây dựng kho “th­ường bình” như một hình thức dự trữ quốc gia về lương thực. Khi nạn đói năm 1405 xảy ra, ông thi hành chính sách bắt người giàu phải bán thóc cho dân theo thời giá. Năm 1403, nhà Hồ thực thi thành lập cơ quan “Quảng Tế thự ” (giống Bộ Y tế ngày nay), và phong cho Nguyễn Đại Năng, một y sĩ, làm “quảng tế thự thừa”, chuyên chăm lo việc quản lý tổ chức chữa bệnh trong nhân dân và chăm sóc sức khỏe trong nhân dân.
-Về phương diện giáo dục, năm 1396, Hồ Qúy Ly cho thay đổi luật lệ thi cử; đặt kỳ thi Hương do địa phương quản lý và kỳ thi Hội do Triều đình quản lý. Thay đổi mọi luật lễ của kỳ thi, thay đổi phương diện giáo dục là một trong những cải cách đáng chú ý nhất của Hồ Qúy Ly ở mặt văn hóa- giáo dục dưới thời nhà Hồ. Những ai đã trải qua kỳ Hương sẽ tiếp tục làm thêm 1 phần nữa gọi là văn sách do vua đề ra, bài thi này giúp nhà vua phân định bậc cho họ. Ông cho bãi bỏ phép thi viết ám tả cổ văn và thay đó bằng phần thi kinh nghĩa (hay được gọi là thể văn bốn kỳ); đề ra cách thi Cử nhân ( thi Hương ở địa phương). Kỳ thứ 1, thi một bài kinh nghĩa từ 500 chữ trở lên và phải có các phần bắt buộc như phần phá đề, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên đề, đại giảng, kết luận. Kỳ thứ 2, thi phần thi thơ Đường luật một bài phú cổ thể hoặc thể li tao từ 500 chữ trở lên. Kỳ thứ 3, thi một bài chiếu theo chữ Hán, một bài chiếu, một bài biểu dùng thể tứ lục đời nhà Đường. Kỳ thứ 4, thi một bài văn sách láy kinh sử hoặc kinh thời vụ ra đề từ 1000 chữ trở lên. Trải qua kỳ Hương, thí sinh sẽ tiếp tục thi Hội (thi tiến sĩ), nếu đã đỗ tiến sĩ thì năm sau tham gia kỳ thi Đình, làm một tác phẩm văn sách để phân định thấp cao. Đến năm 1404, Hồ Qúy Ly cho đặt thêm 1 trường thi nữa, nâng mức tổng số trường thi lên con số 5; ở đây, thí sinh sẽ thi phần thi toán và chữ.
Chủ trương mở trường học ở các châu, phủ, và cử các đại diện gọi là quan Giáo thụ trông coi và phát triển việc học tập là việc làm của Hồ Qúy Ly lúc bấy giờ để nâng cao việc học cho các sĩ tử. Ông ban hành chính sách học điền , để quy định phần ruộng đất cấp cho việc học tập ở địa phương; và tùy theo quy mô địa phương mà số mẫu đất sẽ là từ 12-15 mẫu; nhưng rất tiếc, đề xuất này lại không được thực hiện. Năm 1401, Hồ Qúy Ly đề ra một phương thức thi mới, đối với kỳ thi Hương, sẽ tổ chức thêm môn tính (toán), thành ra 5 kỳ thi. Triều đinh giao việc quản lý cho các quan ở lộ, phủ, châu trông coi việc thi cử và tuyển chọn các nhân vật giỏi vào triều sát hạch để tiến chức làm quan.
Ông đề cao việc phát triển chữ Nôm- được coi là chữ của chính dân tộc ta dựa trên sự phát triển từ chữ Hán. Ông đã tự mình dịch thuật hàng loạt sách từ chữ Hán về chữ Nôm để cung cấp cho việc dạy học của triều đình bao gồm “Vô đặt” (không lười biếng) trong sách Thượng thư để dạy vua; dịch lại Kinh thi để các nữ quan dạy dỗ cung tần, phi nữ trong cung. Hồ Qúy Ly tự làm sách “Minh Đạo”, để tự bản thân ông đánh giá quan điểm của mình về Nho giáo, không đánh giá cao vai trò của Khổng Tử…
-Về mặt văn hóa, công trình thành nhà Hồ chính là một trong những kiến trúc đặc biệt mà nhà Hồ đã để lại cho nền sử học Việt Nam. Năm 1397, Hồ Qúy Ly cho xây kinh đô mới ở An Tôn (Vĩnh Lộc – Thanh Hóa ngày nay), xây dựng nên công trình kiến trúc thành nhà Hồ. Thành có hình chữ nhật, chu vi khoảng 3km, mặt ngoài của thành xây bằng các khối đá hình hộp, mặt được mài nhẵn, phẳng dài từ 2-4m, cao 1m và dày 0,7m. Cổng thành được xây rất tỉ mỉ và công phu; ghép các đá hình vòm, cao 8m. Trong thành có các khu dinh thự, hiện này còn lại các tượng rồng chạy dọc bậc thềm thành…
Hồ Qúy Ly đã xây dựng nên hệ thống chính trị quân chủ quan liêu; sử dụng những người có tài thực sự để cai trị bộ máy nhà nước; bác bỏ những quan viên không có năng lực, không đủ phẩm giá và sức mạnh để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả quản lý của nhà nước. Trong khi phương thức quản lý đất nước của nhà Trần đang đi vào ngõ cụt của sự tối tăm thì Hồ Qúy Ly xuất hiện như một vị cứu tinh thay đổi cục diện xã hội. Việc đặt lại quy định về hệ thống quan lại ở địa phương đã góp phần tính thống nhất sự quản lý của nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Trên hết, ta thấy rằng Hồ Qúy Ly đã nhận thức rõ nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng này và chính ông đã thay đổi cục diện xã hội đương thời nhờ những cải cách tiến bộ, đầy tính đổi mới. Với vai trò là một nhà cải cách, đổi mới đất nước, Hồ Qúy Ly đã thực hiện những mục tiêu mà mình đề ra một cách thuyết phục nhất dựa trên nền tảng quyền lực của chính mình. Xây dựng bộ máy hành chính mang bản sắc của Hồ Qúy Ly, từ đó loại bỏ chế độ quân chủ quý tộc sang quân chủ quan liêu. Song, mặc dù chưa hoàn thiện được thiết chế này, nhưng ta thấy rõ việc áp dụng của Hồ Qúy Ly trong thời điểm ấy là vô cùng hợp lý, đáp ứng được xu thế của hoàn cảnh dân tộc đề ra, giải quyết được những vấn đề mà nhân dân đang cần đến. Những cải cách của ông đã dần tạo nên sự thay đổi cục diện xã hội đương thời, đánh dấu bước khởi sắc với sự chuyển biến của sang thiết chế quân chủ quan liêu, loại bỏ hình thức kinh tế điền trang vốn đã lạc hậu, giúp phá vỡ sự cản trở mà hình thức kinh tế này đã gây nên.
Với sự tiến bộ mà Hồ Qúy Ly đã đặt nên, xã hội và bộ máy chính trị đương thời đã có những bước chuyển mình đáng quan tâm. Chính sách “hạn điền” mà Qúy Ly đặt ra đã góp phần ngăn chặn khuynh hướng phát triển của của hình thức sở hữu phong kiến lớn; tiến đến góp phần thúc đẩy sự sở hữu ruộng đất tối cao của nhà nước. Thuế thời Hồ Qúy Ly cũng được chú trọng công bằng hơn so với thời Trần. Điển hình như thuế bãi trồng dâu, Hồ Qúy Ly đã cho giảm hơn 50% so với thời nhà Trần; điều ấy đã tạo động lực để kinh tế công thương nghiệp dân tộc phát triển và cũng thể hiện được tư tưởng khoan dung đối với nhân dân đương thời của nhà Hồ. Ngoài chính sách hạn điền thì chính sách hạn nô do Hồ Qúy Ly khởi xướng cũng đóng góp 1 phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Hai chính sách này không chỉ đánh phủ đầu lên mặt kinh tế của giới quý tộc cầm quyền, của nền kinh tế quân chủ quý tộc vốn đã suy tàn của nhà Trần mà nó còn là một động lực để hạn chế quá trình nông nô hóa đang mỗi lúc một gia tăng như đương thời. Khẳng định vai trò của nhà cầm quyền họ Hồ.
Với những canh tân trên phương diện văn hóa, xã hội, Hồ Qúy Ly đã xây dựng nên một nền văn hóa mang bản sắc Đại Việt, phù hợp với tính chất của thời đại. Đề cao chữ Nôm chính là một trong những chính sách mang tầm ảnh hưởng nhất của Hồ Qúy Ly, tạo động lực mạnh mẽ để dân tộc phát triển vốn ngôn ngữ được coi là quốc ngữ đầu tiên của Đại Việt ta đương thời. Không những thế, xây dựng quân đội để bảo vệ lãnh thổ dân tộc cũng được nhà Hồ chú trọng, đó có thể thấy Hồ Qúy Ly rất có mắt nhìn về thời đại của chính ông đang cần quân đội để chống những thế lực bên trong lẫn bên ngoài đang lăm le thời cơ để lật đổ ông. Việc tổ chức các kỳ thi để tuyển dụng quan lại, loại bỏ những tham quan, quý tộc nhà Trần ra khỏi bộ máy cai trị cũng thể hiện đường lối chính trị quân chủ quan liêu của Hồ Qúy Ly. Ông cũng là một trong những người đầu tiên phong cho những người ngoại tộc để họ vào những vị trí quan trọng cao trong triều đình. Đặt thêm một kỳ thi tính thay vì chỉ có thi văn; đặt thêm trường học là phương châm xây dựng thế hệ có trình độ văn hóa mà Hồ Qúy Ly có thể đã nhận thấy lúc bây giờ; và việc áp dụng phép toán vào kỳ thi đã đưa thi cử thời Hồ lên một tầm cao mới mà các thời đại khác chưa nhận ra lúc bấy giờ.
Tuy những phương pháp cải cách của Hồ Qúy Ly đã đạt được rất nhiều thành công, nhưng trên tinh thần công bằng mà nói thì nó vẫn chưa thực sự hoàn hảo và ông cũng chưa giải quyết được một số vấn đề mà các nhà cải cách trước, đặc biệt là Khúc Hạo đã vấp phải trong phương pháp duy tân của mình. Việc phát hành tiền mới đã vấp phải sự phản đối rất mạnh từ nhân dân nên cải cách này cũng mau chóng thiếu hiệu quả và cũng không thực hiện được. Chủ trương chính sách “hạn điền”của Hồ Qúy Ly đã ngăn cản sự phát triển của phương thức tư hữu ruộng đất vốn có dòng chảy lịch sử dân tộc. Chính sách “hạn nô” của Hồ Qúy Ly cũng không thực sự mang tính hoàn hảo cao khi việc nô tì bản chất chỉ là thay đổi không gian làm việc chứ thực sự không mang tính chất giải quyết nô tì. Tầng lớp này vốn tồn tại rất đông trong xã hội đương thời, vì vậy, cần phải giải phóng cho một lượng lớn nô tì nếu có thể được. Thân phận họ chỉ vì nợ và bị cướp ruộng mà trở thành nô tì, nên việc giải quyết chưa sâu vấn đề nông nô cũng là một thiếu sót lớn của Hồ Qúy Ly trong chính sách cải cách của mình. Với mưu kế thành lập “quân đội triệu người”, ông ra quyết sách đưa con trai từ 2 tuổi phải ghi vào sổ hộ tịch; liệu quyết sách có thực sự đúng khi đưa trẻ quá nhỏ vào chỉ với mưu đồ thành lập quân đội của mình ?
Tuy Hồ Qúy Ly đã đưa ra những kế sách giúp thay đổi xã hội đương thời nhưng kết cục thời gian tồn tại của nhà Hồ lại cực kỳ ngắn ngủi. Công cuộc cải cách của ông tồn tại trong một hoàn cảnh lịch sử đầy tính thử thách và gian nan khi phải đương đầu với sự khủng hoảng nghiêm trọng của thời đại nhưng cũng vừa phải đối phó với giặc ngoại xâm đang lăm le xâm lược nước ta. Với sự không đồng thuận của lòng dân, chính điều ấy đã đẩy nhà Hồ đến với sự thất bại trong trận chiến với quân nhà Minh. Cuộc xâm lược này cũng chính là điều kiện khách quan khiến cuộc cải cách của Hồ Qúy Ly nhanh chóng thất bại. Nhưng dù gì, thì công của Hồ Qúy Ly trong việc thay đổi cục diện xã hội dù là ngắn nhưng cũng đáng được ghi nhận và có thể nói công cuộc cải cách ấy chính là chất xám của một nhà chính trị lúc bay giờ- HỒ QUÝ LY.
Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.