tienluat
  • Bài viết: 3
  • Gia nhập: 13-01-2020
Anh hùng La Văn Cầu kể về trận đánh ông phải nhờ đồng đội chặt cánh tay


UserPostedImage

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu. Ảnh T.Vương


Anh hùng La Văn Cầu sinh năm 1931, ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), người dân tộc Tày. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, dù mới 16 tuổi, La Văn Cầu đã khai tăng lên 18 tuổi để được vào bộ đội. Do thành tích trong chiến đấu, ngày 19.5.1952 ông được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi đang là tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Cùng năm đó, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc theo Sắc lệnh số 107-SL. Ông được phong hàm Đại tá từ năm 1985.

Trở về với cuộc sống đời thường đã lâu và ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng huyền thoại, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu (89 tuổi, Hà Nội) vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương sáng cho nhiều người học tập.

Nguồn: https://laodong.vn/thoi-...chat-canh-tay-773716.ldo 

“Tự hào là thành viên của Đội quân anh hùng”
Với nụ cười thân thiện, trang phục giản dị, trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu đã kể cho chúng tôi nghe về những những năm tháng “nếm mật nằm gai” với đồng đội năm xưa trên chiến tuyến chống quân thù.

Nhớ về những trận đánh năm xưa, Đại tá La Văn Cầu kể: “Tôi tham gia 2 chiến dịch lớn với tổng cộng hơn 25 trận đánh, trong đó trận đánh đồn Đông Khê trong Chiến dịch biên giới Thu - Đông từ ngày 16 đến 18.9.1950 là đáng nhớ nhất, bởi cánh tay phải của tôi vĩnh viễn nằm lại chiến trường”.

UserPostedImage

Đại tá La Văn Cầu chia sẻ: "Tôi không bao giờ quên những năm tháng "nếm mật nằm gai" và luôn tự hào là anh bộ đội Cụ Hồ".


Tham gia trận đánh ấy, chiến sĩ La Văn Cầu được phân công làm Tổ trưởng Tổ bộc phá với nhiệm vụ phá hàng rào lô cốt của đối phương để mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong quá trình chiến đấu, cánh tay phải bị thương lủng lẳng, vướng víu, vậy là ông nhờ đồng đội chặt giúp cánh tay để có thể tiếp tục ôm quả bộc phá nặng 12kg bằng tay trái, leo dốc, áp vào lô cốt giặc để phát nổ… hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chiến tranh ác liệt, chiến sĩ La Văn Cầu đã phải gửi lại chiến trường một cánh tay phải. Nhưng điều này không làm giảm ý chí và nghị lực của người lính trong cuộc sống hàng ngày.

Đại tá Cầu cho hay, ông vinh dự là một trong 7 người được Bác Hồ vinh danh trong phong trào thi đua ái quốc ở chiến khu Việt Bắc. Từ đó, trong chiến đấu cũng như thời bình ông luôn nghĩ rằng mình phải phấn đấu, giữ gìn, rèn luyện sức khỏe để để thấy non sông, đất nước phát triển ngày càng giàu đẹp hơn.

Đại tá La Văn Cầu chia sẻ: “Trong tôi lúc nào cũng cảm thấy phấn khởi, tự hào. Bởi vì mình được làm một thành viên của lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng. Cho tới bây giờ đã sắp bước sang tuổi 90, tôi vẫn không quên những ngày tháng đã cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đó là thời kỳ, chúng tôi đã cùng quyết chiến, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Giản dị giữa đời thường
Người anh hùng năm nào khi trở về đời thường luôn giản dị nhưng bằng cách nào đó vẫn luôn cố gắng đóng góp sức chung vì cộng đồng. Ông luôn thể hiện sự yêu đời, tinh thần Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp bằng thực tế, nghĩa là “miệng nói tay làm”.

“Ngày nay, khi đã về hưu, tuổi cao, sức yếu không còn làm được nhiều việc như ngày trước nữa, song ngày nào tồn tại trên trái đất này phải đóng góp gì đó có ích cho cộng đồng và gia đình. Ngay đơn giản như việc trở thành một chiến sỹ môi trường quét dọn ngõ xóm sạch sẽ, “sáng quét - chiều quét”, tôi cũng luôn sẵn sàng” – Đại tá Cầu nói.

“Mình quét con đường, ngõ nhỏ để lúc nào cũng sạch sẽ. Không chỉ mình tôi, giờ đây có thêm những người hàng xóm cũng thường xuyên là những “chiến sỹ môi trường”. Nhiều người cùng tham gia vào bảo vệ môi trường để Thủ đô luôn được xanh – sạch – đẹp” – ông chia sẻ và cho biết thêm: “Riêng tôi, tôi luôn luôn có suy nghĩ và làm việc với tinh thần là giữ vững bản chất anh bộ đội Cụ Hồ không làm điều gì xấu đến cộng đồng, đến nhân dân dù chỉ là sợi tóc”.

UserPostedImage

Đại tá La Văn Cầu trở về đời thường với những việc làm giản dị. Ảnh T.Vương


Trong căn nhà nhỏ giờ đây, Đại tá La Văn Cầu đang sống cùng người vợ đã thành duyên năm xưa tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và cán bộ phương mẫu toàn quốc năm 1952 ở Thái Nguyên. Ngày ấy, ông là bộ đội, bà là công nhân nhà máy giấy Nghệ An. Thế rồi gặp nhau, họ nên duyên số và chung sống hạnh phúc tới bây giờ.

Nói về người vợ của mình, Đại tá Cầu niềm nở: “Bà nhà tôi tuyệt vời lắm. Tôi bây giờ được như thế này tất cả là nhờ bà nhà tôi hết cả đấy. Bà chăm tôi rất chu đáo, từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhất là việc ăn uống, chỉ ăn được những món bà nhà tôi nấu, thấy ngon và hợp khẩu vị”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về Anh hùng La Văn Cầu trong thời chiến hay thời bình đã ngày càng tô thắm thêm truyền thống đáng tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Nguồn:
https://laodong.vn/thoi-...chat-canh-tay-773716.ldo 
Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.