tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Chiến thắng Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Geneve (1954)

NGUYỄN THỊ MAI HOA

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, cuộc chiến tranh Đông Dương ngày càng trở thành gánh nặng đè lên vai nước Pháp. Sự lệ thuộc ngày càng gia tăng vào Mỹ, những thất bại liên tiếp trên chiến trường, phong trào phản chiến lan rộng, những khó khăn về kinh tế, ngân khố thâm hụt trầm trọng... những yếu tố đó buộc chính phủ Pháp phải tìm ra lối thoát. Đó là đạt được một chiến thắng quân sự giúp nước Pháp có thể thoái lui khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương trong danh dự.

1- Nhằm tạo ra một chiến thắng xoay chuyển cục diện chính trị - quân sự, tạo ra được tình huống để nước Pháp “có thể thương lượng với Việt Minh trong những điều kiện tốt, thuận lợi”[1], Bộ Chỉ huy Quân đội Pháp vội vã điều lực lượng cơ động nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành “cột mốc của thế giới tự do mà cộng sản không thể vượt qua”[2], thành “Verdun” của Đông Nam Á, bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào. Để giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương, người Pháp quyết tâm bảo vệ Điện Biên Phủ bằng mọi giá.
Về phía Việt nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), nhận thức cuộc chiến ở Điện Biên Phủ “rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế”[3], trung tuần tháng 12-1953, Việt Nam quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo bước ngoặt mới cho cuộc chiến trước khi Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương. Nhất trí với chủ trương đó, ngày 11-3-1954, Chu Ân Lai gửi một bức điện tín trao đổi tình hình với Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: “Nhiều nội dung quan trọng của Hội nghị Geneve sẽ phụ thuộc vàovào sự phát triển của tình hình quân sự sắp tới”[4]. Trong các cuộc họp bàn sau đó cho việc chuẩn bị cho Hội nghị Geneve với các đại biểu của Việt Nam và Liên Xô, Chu Ân Lai nhiều lần nhấn mạnh rằng, “trong thời gian diễn ra Hội nghị, hoặc tốt nhất là trước khi khai mạc Hội nghị, quân đội Việt Nam có thể đánh thắng tại Điện Biên Phủ. Nếu quả đúng như vậy, sẽ giúp phe phương Đông chiếm được vị trí rất có lợi tại bàn đàm phán”[5]. Đầu tháng 3-1954, Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc gửi điện cho Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam Vi Quốc Thanh, đặt ra mục tiêu về các chiến thắng quân sự làm bàn đạp cho Geneve với các cấp độ khác nhau. Theo yêu cầu của Trung Quốc, cấp độ cao nhất là đánh bại quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, hoặc thấp hơn là triệt để tiêu diệt quân Pháp tại khu vực giữa sông Nậm Rốn và sông Hồng, giải phóng khu vực đó, khai thông liên lạc với Lào; đồng thời, tại Trung - Hạ Lào hoặc khu vực Liên khu Năm, phát động tấn công phối hợp[6].
Để tiến hành chiến dịch, Việt Nam dốc phần lớn nguồn lực vào Điện Biên Phủ: Các Đại đoàn bộ binh 308, 304, 312, 316, Đại đoàn công pháo 351 được lệnh sẵn sàng cùng với một khối lượng vật chất to lớn được huy động, gồm 1.200 tấn đạn dược, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác, hơn 260.000 dân công, trên 20 nghìn xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ, trên 11.800 thuyền bè mảng và 628 xe ô tô phục vụ vận chuyển hàng hoá, vũ khí đạn dược[7]. Như vậy, với quyết tâm của cả Pháp và Việt Nam, trận chiến Điện Biên Phủ trở nên vô cùng quan trọng, thắng lợi của nó có ý nghĩa phân định thắng bại có tính chung cuộc và toàn cục, “có tầm quan trọng về chính trị và tâm lý hơn hẳn giá trị chiến lược thực tế của nó vì Hội nghị Genève sắp khai mạc”[8].
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Genève chính thức khai mạc, trùng với thời điểm Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ. Ngày 1-5-1954, Chu Ân Lai tiếp tục gửi điện cho Vi Quốc Thanh đề nghị “xem xét kỹ khả năng tấn công tiêu diệt Điện Biên Phủ, còn cần bao lâu nữa mới có thể hoàn toàn hoặc cơ bản tiêu diệt được bọn địch, mong điện trả lời sớm”[9].Từ ngày 1-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy mạnh tổng tiến công, tiêu diệt dứt điểm các vị trí còn lại. Lực lượng của Pháp lúc này đã trở nên tuyệt vọng, suy kiệt, không còn đủ sức để duy trì chiến đấu. Đêm ngày 3-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục chiếm thêm một số vị trí quan trọng, tấn công và bao vây thắt chặt, có nơi chỉ cách Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm có 300 mét. Điện Biên Phủ thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian và cuối cùng ngày 7-5-1954, một ngày trước khi giai đoạn thứ hai của Hội nghị Genève khai mạc, quân đội Pháp đại bại tại Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đặt một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam, mà còn có tác động trực tiếp đối với kết quả của Hội nghị Genève - Hội nghị sắp xếp lại thế giới nửa sau thế kỷ XX.
Bước vào Hội nghị Geneve với tư cách là người chiến thắng, đoàn đại biểu Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã có một vũ khí hiệu nghiệm nhất, mà không phải bất kỳ nhà thương lượng nào cũng dám nghĩ đến khi bắt đầu một hội nghị lớn, có ý nghĩa quyết định trực tiếp tới vận mệnh dân tộc - Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn một ngày trước khi Hội nghị khai mạc đã khiến nội tình nước Pháp chia rẽ sâu sắc thêm. N. Khrushchev đã phải thốt lên: “Một điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi các phái đoàn vừa đặt chân đến Genève, những người kháng chiến Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn ở Điện Biên Phủ”[10]. Thực vậy, chính phủ Pháp không còn ý định thương lượng trên thế mạnh, chỉ còn mong muốn lớn nhất là đạt được thỏa thuận ngừng bắn càng sớm càng tốt. Có thể nói, nhờ những nỗ lực xương máu của quân và dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ, tình hình trở nên hết sức thuận lợi cho các yêu cầu, dự định của VNDCCH. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh chồng chéo những toan tính của các nước lớn và sự chi phối đậm nét lợi ích của từng nước cũng như lợi ích phe phái, VNDCCH sẽ có được những gì trên bàn đám phán?

2- Hội nghị Geneve là một sự kiện quốc tế quan trọng, ở đó không chỉ đơn thuần diễn ra việc phân chia quyền lực và tầm ảnh hưởng của các bên tham gia, mà còn quyết định vị thế quốc tế của những quốc gia này trong tương lai; vì thế, các nước lớn đều có sự chuẩn bị kỹ càng các phương án từ trước đó rất lâu. Là quốc gia tham gia trực tiếp vào các tiến trình sự kiện cả ngoài và trong Hội nghị, nhất là đã mang lại một món quà bất ngờ có thể quyết định một cách xoay chuyển nhất đối với toàn bộ những vấn đề thương thảo, song VNDCCH chỉ có thể tham gia vào quá trình hoạch định các mục tiêu ở Geneve khá muộn màng. Ngoài ra, trái với mục tiêu của VNDCCH là Pháp phải thỏa thuận vô điều kiện về việc rút quân theo lịch trình ấn định, Việt Nam phải được thống nhất, cả Liên Xô, Trung Quốc đều muốn giải quyết êm thấm mọi chuyện trên tinh thần nhượng bộ và thỏa hiệp. Trước khi bắt đầu Hội nghị, Moscow đã “nghiêng về sự phân chia đất nước này giữa hai lực lượng đối lập là Pháp và Việt Minh”[11]. Để bắn tín hiệu cho Pháp và các bên liên quan, đầu tháng 3-1954, trao đổi với nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở London và nhân viên Bộ Ngoại giao Anh (G. Holerom), hai nhà ngoại giao Liên Xô (Rodionov, Belokhvostikov) đã “vô tình” đề cập đến quan điểm giải quyết vấn đề Việt Nam của Liên Xô theo mô thức Triều Tiên và nhắc đến vĩ tuyến 16[12].
Thống nhất quan điểm với Liên Xô, Trung Quốc muốn áp đặt mô hình Triều Tiên vào Việt Nam, lấy “vĩ tuyến 16 độ Bắc như là một trong những phương án để xem xét”[13].Trung Quốc đã không dấu giếm về ý định này, liên tục thông báo và chuẩn bị tinh thần trước cho Việt Nam. Ngày 2-3-1954, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện cho Đảng Lao động Việt Nam, nêu vấn đề đình chiến và xác định giới tuyến, nói rõ: “Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc”[14]. Cùng ngày, trong bản Báo cáo đánh giá tình hình và chuẩn bị cho Hội nghị Geneve của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, quan điểm trên một lần nữa được nhắc lại: “Về các câu hỏi cụ thể liên quan đến khôi phục hòa bình ở Đông Dương, một lệnh ngừng bắn tại chỗ không tốt bằng sự việc phân chia hai miền Nam - bắc bằng vĩ tuyến 16”[15]. Trong Hội đàm song phương Xô- Trung ngày 6-3-1954, hai nước tiếp tục khẳng định ý tưởng đó: “Liên quan đến lập lại hòa bình ở Đông Dương, nên có một giới tuyến tương đối cố định, phân chia ranh giới giữa Nam và Bắc, như vĩ tuyến 16 chẳng hạn”[16]. Ngày 11-3-1954, Chu Ân Lai tiếp tục thuyết phục Hồ Chí Minh: “Đường này nên được vẽ ở đâu và song song ở đâu? Điều này cần được xem xét từ hai khía cạnh: một mặt, nó phải thuận lợi cho Việt Nam; mặt khác, nó phải được chấp nhận cho phía đối phương. Đường này càng đi về phía nam càng tốt và vĩ tuyến 16 có thể được coi là một trong những lựa chọn”[17]. Lưu ý thêm rằng, trước những đề nghị của Trung Quốc, ngày 13-3-1954 (cùng ngày chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn), Hội đồng chính phủ Việt Nam nhóm họp, bày tỏ quan điểm tán thành Hội nghị Genève, thảo luận về lập trường, phương châm đấu tranh ngoại giao và cử Đoàn đại biểu tham gia Hội nghị (do Phạm Văn Đồng dẫn đầu). Trong quá trình thảo luận, vấn đề khó khăn nhất là xác định giới tuyến đình chiến. Sau nhiều tranh luận, Hội đồng chính phủ chưa nhất trí trong vấn đề này, chủ trương vừa đánh, vừa đàm kéo dài cho đến khi có ưu thế hơn đối phương và đợi đến lúc ở Genève đạt được được thoả thuận chính trị phù hợp rồi mới đình chiến, thậm chí chỉ đồng ý đình chiến về nguyên tắc, còn nội dung đình chiến cụ thể phụ thuộc vào sự phát triển của tình hình. Trong cuộc trao đổi với với người đồng cấp Liên Xô Pyotr Yudiny, Đại sứ Việt NamHoàng Văn Hoan tại Bắc Kinh bày tỏ lo ngại rằng những khó khăn lớn có thể nảy sinh trong các cuộc đàm phán về giải quyết xung đột Việt Nam, cho rằng, rất khó xác định ranh giới và khu vực phi quân sự, bởi người Pháp sẽ tìm kiếm mộtsự bảo trợ đối với Bảo Đại – điều mà Chính phủ và nhân dân không thể đồngý. Tuy nhiên, nhất quán với mục tiêu đặt ra, Trung Quốc, Liên Xô hết sức kiên trì và cố gắng chứng minh rằng, tại thời điểm đó, mô thức Triều Tiên là một sự lựa chọn hợp lý và tốt hơn cả. Nhận xét về đường ranh giới được đặt tại “vĩ độ 16”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Trương Văn Thiên cho rằng, đó là phương án “có lợi cho Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh nên và cần phải đồng ý khi đề nghị này được nêu lên chính thức”[18].

3- Như vậy, hình mẫu cho đình chiến cho Đông Dương đã được lựa chọn và quyết định, ý kiến, nguyện vọng của VNDCCH chỉ còn là hình thức dù với thắng lợi của Điện Biên Phủ, Việt Nam có thể có những kết quả lớn hơn những gì mà Trung Quốc và Liên Xô đặt ra, nhất là liên quan đến vấn đề vĩ tuyến. Mặc dù luôn đề cập đến vĩ tuyến 16 như một ranh giới tạm thời để đạt được mục tiêu ngừng bắn và lập lại hòa bình ở Đông Dương, nhưng khi, Trưởng đoàn đám phán Pháp Mendès-France đưa ra đề nghị hạn chế sự hiện diện của quân đội Pháp ở phía nam vĩ tuyến 17, thì các nước lớn đồng mình của Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận. N. Khrushchevnhớ lại: “Khi tin tức này từ Genève bay về, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy hài lòng; chúng tôi không chờ đợi được đến thế. Đó là cái tối đa mà chúng tôi hướng tới”[19].Theo N. Khrushchev, dù trước đó Liên Xô đã chỉ thị cho đại diện của mình ở Genève yêu cầu để đường ranh giới phân chia Việt Nam dịch chuyển về phía Nam đến vĩ tuyến 15, “song chúng tôi cũng chỉ đạo rằng, đó chỉ là lập trường đàm phán và đề nghị của Mendès-France cần phải được chấp thuận; bằng cách đó, chiến thắng của những người cộng sản Việt Nam được đảm bảo. Hiệp ước đã được ký kết như thế và nhanh chóng có hiệu lực”[20].
Diễn biến về giới tuyến trong phân chia Việt Nam sở dĩ diễn ra chiều hướng đó là bởi lập trường ở Hội nghị Genève được Liên Xô xác định căn cứ trên tình hình thực tiễn Việt Nam, trong khi tin tức về Việt Nam được chuyển tới Liên Xô là không mấy khả quan: “Tình hình Việt Nam rất trầm trọng và bi đát, phong trào giải phóng dân tộc bên bờ vực của sự sụp đổ và những người kháng chiến cần một hiệp định để những thành quả mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống xâm lược có thể được đảm bảo”[21]. N. Khrushchevgiải thích thêm: “Hà Nội nằm trong tay người Pháp và những người kháng chiến dù cố gắng đã không thể giành lại. Những thành phố và tỉnh thành khác cũng bị người Pháp chiếm đóng. Nếu thể hiện trên bản đồ những yêu cầu ưu tiên số một của chúng tôi (đình chiến với giới tuyến 16-TG), thì trên miền Bắc Việt Nam vẫn còn rất nhiều địa điểm mà quân đội chiếm đóng Pháp vẫn có thể ở lại, kể cả trong trường hợp các đề nghị của chúng tôi [tại Hội nghị Geneve] được đáp ứng đầy đủ”[22]. Cần lưu ý rằng, những tin tức trên đây mà Liên Xô nhận được là do Chu Ân Lai cung cấp. NhưN. Khrushchevmô tả thì sau một trong những phiên họp của cuộc họp trù bị ba bên (gồm Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô) về Hội nghị Geneve tại Moscow,Chu Ân Lai đã kéo ông vào một góc và thông báo: “Đồng chí Hồ nói với tôi rằng, tình hình rất vô vọng. Trong thời gian tới, nếu không đạt được thỏa thuận ngừng bắn, họ sẽ không thể cầm cự chống lại quân đội Pháp. Họ đã quyết định rút lui về phía biên giới với Trung Quốc, hy vọng như vậy Trung Quốc có thể mang quân sang chiến đấu, giúp nhân dân Việt Nam đánh đuổi người Pháp khỏi Việt Nam giống như trước đây đã chiến đấu ở Bắc Triều Tiên”[23]. Chu Ân Lai cũng giải thích với N. Khrushchev rằng, Trung Quốc“không thể thực hiện yêu cầu đó, vì ở Triều Tiên họ đã hy sinh quá nhiều, đã trả giá đắt cho chiến tranh, họ không đủ lực để vướng vào một cuộc chiến tranh mới, vì thế, không thể đáp ứng yêu cầu của Hồ”[24].
Kết luận lại, việc Trung Quốc và Liên Xô sắp đặt sẵn với Pháp, Anh một giải pháp về Việt Nam đã làm mất hiệu lực của chiến thắng Điện Biên Phủ. Phục vụ lợi ích và tính toán riêng, cả Liên Xô, Trung Quốc đã dàn xếp rồi đi đến thỏa hiệp, tiết chế bớt những yêu cầu chính đáng của VNDCCH. Hiệp định được thông qua ở Genève nghiêng về kế hoạch của Pháp hơn là của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuy thắng lớn trên chiến trường, song do thiếu kinh nghiệm đàm phán, do thực lực chưa mạnh, nên đành chấp nhất chia cắt thành hai miền Nam, Bắc với ranh giới là vĩ tuyến 17 (thay cho vĩ tuyến 13 dự liệu ban đầu) và thời hạn hai năm tổng tuyển cử (thay vì 6 tháng như đề nghị), phải rút hết quân đội khỏi Lào và Campuchia. Đặc biệt,giới tuyến 17 đã khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam không khỏi ngỡ ngàng và hết sức thất vọng. Hồ Chính Minh ngậm ngùi nói với Võ Nguyên Giáp: “Với so sánh lực lượng trên thực tế chiến trường hiện nay, ta đề ra vĩ tuyến 13 là hợp lý, vĩ tuyến 17 đối với ta là không thể chấp nhận, chí ít cũng phải dành được vĩ tuyến 16”[25].Tại Hội nghịGeneve, trước kết quả đó, Phạm Văn Đồng cũng rất bất ngờ, “đầy vẻ đau đớn nhìn vào bản đồ Đông Dương trước mặt: Lãnh thổ của Việt Nam cộng sản bị đẩy lùi dần từng cây số một về phía Bắc”[26]. Phạm Văn Đồng đã phải cay đắng thốt lên: “Chúng tôi có thể giành được nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã thoả thuận trước với Trung Quốc về mọi điều. Nhưng Chu Ân Lai đã có cuộc hội đàm bí mật với Mandès France và tất cả đều đã thay đổi”[27]. Cuối cùng, trên bàn cờ của các nước lớn, một quy luật được rút ra là nhất định phải có một (hoặc một số) nước nhỏ nào đó bị hy sinh, trở thành “vật tế thần”.
Rời khỏi Genève, bất chấp những thua thiệt và ấm ức của VNDCCH, Liên Xô, Trung Quốc vẫn cho rằng, kết quả ấy tại Hội nghị Geneve không phải là một kết cục “gây tử vong”, đó chỉ là một phương thức giải quyết các xung đột quốc tế cho phép đảm bảo hòa bình trong một “giai đoạn quá độ” nhất định - một bước lùi có thể chấp nhận được, bởi nó không loại trừ việc thống nhất quốc gia vào thời điểm thích hợp sau này. Tuy nhiên, “thời điểm thích hợp sau này” để thống nhất quốc gia của Việt Nam mà Trung Quốc, Liên Xô đề cập đến như một hình thức biện minh và liệu pháp an ủi chỉ đến sau 21 dài đằng đẵng với rất nhiều hy sinh xương máu, để lại những lằn ranh đau đớn trong tâm thức nhiều người Việt và câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc ở Việt Nam vẫn còn chưa được khép lại.


[1]Jean Pouget, Tướng H.Navarre với trận Điện Biên Phủ, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, tr.56.
[2]Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, Tập II, Nxb QĐND, H. 1994, tr. 353.
[3]Hồ Chí Minh, Thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 22-12-1953, tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
[4]Telegram, Zhou Enlai to Ho Chi Minh (excerpt)," March 11, 1954, History and Public Policy Program Digital Archive, Zhou Enlai nianpu, 1949-1976, vol. 1, History and Public Policy Program Digital Archive, CWIHP.
[5]Qian Jiang, Zhou Enlai and the Geneva Conference, Beijing: History of CPC Press, 2005, p.26.
[6]Qian Jiang, Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p.27.
[7]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự, Lịch sử hậu cần kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 296, 279.
[8]Archimedes L. A. Patti, Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr.826.
[9]Qian Jiang, Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p.105.
[10]Nikita Khrushchev, Memoirs of Nikita Khrushchev, volume 3 statesman (1953–1964), Pennsylvania State University Press, 2006, p.501.
[11]Холодная война. 1945-1963 гг. Историческая ретроспектива,Сборник статей, М. ОЛМА-ПРЕСС, 2003, c.405.
[12]Холодная война. 1945-1963 гг. Историческая ретроспектива, Указ. Соч, c.408.
[13]Qian Jiang, Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p.38. Xem thêm: Dương Khuê Tùng: Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tập 2, Nxb. Nhân dân Giang Tây, 2008, bản dịch Quốc Thanh.
[14]Qian Jiang, Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p.26.
[15]Preliminary Opinions on the Assessment of and Preparation for the Geneva Conference, Prepared by the PRC Ministry of Foreign Affairs (drafted by PRC Premier and Foreign Minister Zhou Enlai) [Excerpt]," March 02, 1954, History and Public Policy Program Digital Archive, CWIHP.
[16]Telegram, PRC Ambassador to the Soviet Union, 'Reporting the Preliminary Opinions of Our Side on the Geneva Conference to the Soviet Side'" March 06, 1954, History and Public Policy Program Digital Archive, PRC FMA 206-Y0054, CWIHP.
[17]Telegram, Zhou Enlai to Ho Chi Minh (excerpt)," March 11, 1954,Ibid.
[18]АВП РФ, ф. 06, on. 13а, п. 25, д. 7, л. 43.
[19]Nikita Khrushchev, Memoirs of Nikita Khrushchev, Ibid, p.501.
[20]Nikita Khrushchev, Memoirs of Nikita Khrushchev, Ibid, p.501.
[21]Nikita Khrushchev, Memoirs of Nikita Khrushchev, Ibid, p.501.
[22]Nikita Khrushchev, Memoirs of Nikita Khrushchev, Ibid, p.501.
[23]Nikita Khrushchev, Memoirs of Nikita Khrushchev, Ibid, p.501.
[24]Nikita Khrushchev, Memoirs of Nikita Khrushchev, Ibid, p.501.
[25]Võ nguyên Giáp, Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.428.
[26]Jean Lacouture, Philippe Devillers: La Fin d'une guerre: Indochine 1954, Éditions du Seuil, 1960, p.311.
[27]Wilfred Burchett, The China Cambodia Viet Nam Triangle, London: Zed Press, 1981.

NGUYỄN THỊ MAI HOA
Ai đang xem chủ đề này?
  •  Guest
Di chuyển  
  • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.