Những điều còn bí ẩn quanh việc quay bộ phim Ngày Độc lập 2-9-1945
NGUYỄN HỮU ĐANG
Một ngày trung tuần tháng 9-1990 vừa qua, đến chơi nhà một người bạn thân, chưa kịp ngồi yên chỗ, tôi đã được ông bạn đưa cho tờ Nghệ thuật điện ảnh số 6-1990 mới tinh.
“Biếu anh số báo này. Trong đó có liên quan đến anh đấy.”
Tôi đưa tay đón tờ báo hơi ngỡ ngàng, chưa hiểu việc gì của ngành điện ảnh lại có thể liên quan đến mình. Mở ra... thì ở ngay trang 1, bài của bạn Trung Sơn có cái đầu đề nổi bật "Ai là người ghi hình phim ngày Tết Độc lập 2-9-1945?". Đúng là có liên quan đến tôi thật. Là trưởng ban tổ chức ngày tuyên bố Độc lập 2.9.1945 - sau này đi vào lịch sử, nó được gọi bằng cái tên ngắn gọn "Ngày Độc lập" - tôi có trách nhiệm trả lời câu hỏi của bạn Trung Sơn và báo Nghệ thuật điện ảnh cũng là câu hỏi chung của hàng mấy chục triệu người đã được xem cuốn phim ấy.
Xin thú thật ngay rằng tôi chưa biết đích xác ai là người đã quay bộ phim đó. Tôi chỉ có thể đoán theo hai khả năng, mà cũng chưa dám nghiêng hẳn về phía nào:
Một là hiệu Hương Ký quay;
Hai là phái đoàn Patty quay.
Tất nhiên thiên hạ chẳng ưa gì cái lối trả lời lửng lơ nước đôi. Song quả là vấn đề rắc rối và hiện nay chưa có đủ chứng cứ để khẳng định dứt khoát một bề. Xin các bạn quan tâm đến vấn đề cho tôi được trình bày dưới đây những điều tôi "nhớ lại và suy nghĩ", mong giới thiệu được vài ba dữ kiện cần thiết để giải một bài toán.
Trước hết, xin các bạn hình dung sự khẩn trương, tất bật của chúng tôi trong thời gian vẻn vẹn bốn ngày (từ 28.8 - 1.9) để chuẩn bị xong, một buổi lễ qui mô toàn quốc mà trọng tâm là cuộc mít tinh lớn, ban đầu dự kiến sẽ thu hút chừng hai phần ba dân số nội, ngoại thành. Cả nhân viên chuyên môn, tiền, dụng cụ, vật liệu đều hầu như bắt đầu bằng số không. Tiếp theo thông cáo của Bộ Tuyên truyền, Ban kêu gọi rộng rãi trong đồng bào ai có nhiệt tình tham gia tổ chức đến ghi tên tại quán Hội Trí tri (phố Hàng Đàn). Chúng tôi theo dõi từng phút, từng phút việc ghi tên nô nức, nhộn nhịp rồi căn cứ vào nghề nghiệp, sở trường, vào phương tiện sẵn có, vào cả khả năng chạy vạy của người tình nguyện mà giao việc, nhờ cậy.
Về phần chụp ảnh, ông Vũ Văn Lai, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư trẻ tuổi đã sốt sắng nhận nhiệm vụ đi liên lạc các bạn đồng nghiệp, mời bằng được hiệu Hương Ký, một hiệu ảnh bậc đàn anh, chẳng những mời chụp ảnh mà còn mời quay phim hơn nữa, yêu cầu Hương Ký quay phim là chính. Chúng tôi sẵn sàng nhận những điều kiện dù là nặng mà Hương Ký có thể đưa ra. Vì theo chúng tôi biết - bấy giờ ở Hà Nội, ngoài hãng Indochine Film (của người Pháp) không hoạt động được, Hương Ký là cơ sở kinh doanh nghề ảnh duy nhất có máy quay phim. Cũng may, Hương Ký đã không lợi dụng độc quyền để bắt bí.
Chủ hiệu Hương Ký đã trên dưới sáu mươi tuổi nhưng còn tráng kiện, linh lợi, vốn có tay nghề vững. Ông nhận lời làm; nói cho đúng ông sẽ chỉ đạo con hay thợ trực tiếp làm. Từ nhiều năm ông đã là một nhà tư sản bề thế ở thủ đô, thôi lao động, sống giàu sang, lại hay tham gia chính trị một cách nhẹ dạ. Lúc mời ông cộng tác, tôi coi thường cái quá khứ chính trị hời hợt của ông, chỉ chú trọng việc quay phim. Và tôi tin tưởng ông cũng lấy làm thích thú được quay phim dịp này còn quan trọng gấp triệu lần khi ông được vinh dự chụp đám tang Khải Định rồi đám cưới Bảo Đại. Vẻ nhiệt thành, hồ hởi của ông cộng với phong thái đạo mạo, lịch thiệp ở một cụ già càng khiến tôi yên tâm.
Cũng như tất cả các bạn đồng nghiệp của mình, hai người của Hương Ký, một chụp ảnh, một quay phim đã hoạt động thoải mái trong khu vực mít tinh. Duy đến sát lễ đài thì không được; cứ phải ở ngoài hai vòng bảo vệ, đó là quy định chung.
Độ một tuần lễ sau "Ngày Độc lập", không thấy Hương Ký cho biết kết quả quay phim, tôi đến hỏi thì được trả lời là không quay được vì máy trục trặc. Một sự thất bại dường như hoàn toàn do khách quan, không ai chịu trách nhiệm. Tôi bình tĩnh chấp nhận sự rủi ro. Nhưng chỉ ít ngày sau, quân tàu Tưởng đưa bọn Vũ Hồng Khanh về âm mưu cướp quyền, lật đổ thì ông chủ Hương Ký liền theo Quốc dân Đảng, chống Việt Minh. Lập tức tôi nghi ngờ ông ta đã không thật lòng, đã không quay phim, rồi đổ lỗi cho cái máy - nó không biết cãi.
Phải chăng vì tư tưởng đối lập với cách mạng ở ông ta chưa bộc lộ rõ ràng trước khi cách mạng thành công nên chúng tôi đã mất cảnh giác? Từ đấy, suốt ba mươi năm, mỗi khi nhớ đến "Ngày Độc lập", tôi cảm thấy vấn vương một chút ân hận. Ân hận và băn khoăn tự hỏi: Hương Ký có quay phim không? Có quay mà hỏng thật hay quay được mà giữ lại?
Thời gian trôi đi. Có người nghĩ đến một bộ phim truyện trong đó dựng lại cảnh tuyên bố độc lập đúng như thật. Bỗng một hôm, vào quãng giữa những năm 70, tôi nghe tin cuốn phim tài liệu lịch sử "Ngày Độc lập" đang được chiếu ở Hà Nội. Tôi mừng rỡ và kết luận như đanh đóng cột: Hương Ký đã quay được nhưng giữ lại. Tôi yên trí là qua mấy đợt bán đi, mua lại, cuốn phim bảo vật lưu lạc phương xa, nay trở về quê hương với "con rồng, cháu tiên" vẻ vang mà gian khổ, nhờ lòng tốt của một Việt kiều yêu nước nào đó, hoặc do nhà nước ta bỏ ra một số tiền để chuộc lại. Một sự tưởng tượng mà nếu ông Kỳ Nam biết chắc ông phải mỉm cười.
Còn có khả năng thứ hai...
Khả năng này chỉ mới xuất hiện trong đầu tôi khi tôi đọc, trên một tờ báo, đoạn hồi ký của tướng Patty (đã về hưu) nguyên trưởng phái đoàn Mỹ đến Hà Nội dưới danh nghĩa đồng minh liền sau tổng khởi nghĩa của ta thắng lợi. Ông tường thuật cuộc mít tinh khổng lồ ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình với những chi tiết hết sức đúng, có cả một chi tiết từ trước tới nay sách, báo ta chưa nhắc đến lần nào. Sự mô tả chính xác chứng tỏ ông và một số nhân viên của ông đã chứng kiến buổi lễ, đã đi lại trong khu vực mít tinh để, như ông kể lại, "chụp ảnh và quay phim". Thật bất ngờ đối với tôi, kẻ mang nặng trên vai trách nhiệm điều hành buổi lễ và kiểm soát cuộc mít tinh, mà không biết có những hoạt động của người ngoại quốc ngay trước mắt mình. Bấy lâu, từ khi phim tài liệu lịch sử "Ngày Độc lập" về nước, giá có ai đoán là nó có thể do phía đoàn Patty quay thì tôi bác bỏ ngay. Bởi lẽ hôm ấy, theo đề nghị của chúng tôi, để bảo vệ an ninh, thành phố ra lệnh giới nghiêm gần như thiết quân luật: từ mười giờ sáng đến năm giờ chiều, ngoài hàng ngũ những người đi dự mít tinh có chỉ huy và bảo vệ chặt chẽ, tuyệt đối không người nào hay xe cộ nào được đi trên đường phố (kể cả vỉa hè) - cố nhiên quân đội, công an, cứu hoả và cấp cứu bệnh viện được ở ngoài lệnh cấm. Người Mỹ mà quần chúng dễ lẫn với người Pháp lại càng không thể ra khỏi nhà: nếu họ muốn đến chỗ mít tinh, nhất định họ phải được ban tổ chức đồng ý và hướng dẫn. Còn chụp ảnh và quay phim, lẽ nào trong cả cuộc mít tinh cực lớn mà không lộn xộn như vậy lại không có ai nhìn thấy?
Bấy lâu tôi đã chủ quan, suy xét một chiều, một mặt, chỉ biết mình mà không biết người, nên không thể dung thứ khả năng thứ hai. Ngày nay có bằng chứng cụ thể tôi cố tìm xem cái gì đã giúp phái đoàn Patty hoạt động được. Và tôi nhớ ra là hồi ấy, mỗi khi ra đường, người Mỹ bao giờ cũng đeo trên cánh tay trái, chỗ gần bắp vai, một mảnh biểu trưng cờ Mỹ (écusson) to bằng nửa bàn tay. Chính miếng biểu trưng ấy là cái "bùa hộ mệnh" giúp họ chẳng những có thể đi lại tương đối tự do trong thành phố, ra ngoại ô và về cả các địa phương nữa, mà còn được nhân dân tỏ thiện cảm, tiếp đãi thân mật và giúp đỡ nếu cần. Cũng dễ hiểu thôi. Ta đang tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh. Quan hệ Việt - Mỹ đang hữu nghị hơn bao giờ hết. Tuy ban tổ chức không biết trước sự hoạt động của họ để có chủ trương giúp đỡ, tất cả bộ máy bảo vệ an ninh và giữ trật tự đã tự động dành cho họ mọi sự dễ dàng. Tự động rất đúng chính sách.
Còn tại sao họ chụp ảnh, quay phim mà không ai biết thì có thể tìm được câu giải đáp ở chỗ trong phái đoàn Patty, trước đóng ở Côn Minh, vẫn có một đơn vị của cơ quan tình báo Mỹ OSS tiền thân của CIA. Đơn vị này ắt được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất (so với trình độ đương thời) và có trong biên chế của nó những chuyên gia điêu luyện để thực hiện chụp ảnh và quay phim kín đáo tới mức cần kín đáo, dù không có ý kín đáo, sự kín đáo vẫn diễn ra do năng tính của dụng cụ tình báo và thói quen nghề nghiệp của con người tình báo.
Để tránh sự hiểu lầm về mục đích hạn chế của bài này mà tôi đã trình bày trong đoạn đầu, tôi nhấn mạnh một lần nữa: trở lên trên chỉ là dữ kiện, là phỏng đoán, là giả thiết, là khả năng, còn phải nghiên cứu, được nêu ra nhằm gợi hướng xác minh. Xác minh được ai đã quay cuốn phim tài liệu lịch sử "Ngày Độc lập" mà chúng ta đang cố phải dựa trên cơ sở kết quả của một cuộc điều tra công phu mà tôi cho là không khó khăn lắm. Đầu mối không còn bí ẩn và không xa tầm tay, chẳng bao lâu nữa tạp chí Nghệ thuật điện ảnh sẽ được hài lòng nếu ngày mai ở đâu đó xuất hiện một quyết tâm tìm ra sự thật về bàn tay nào, qua ống ca-mê-ra nào đã ghi lại những hình ảnh sống động đánh dấu thời điểm ra đời của một giai đoạn mới, một Nhà nước, một chế độ mới ở Việt Nam.
Tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh số 8 năm 1990