Trận đấu tăng của kíp xe 377 anh hùng trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân Hè 1972
Phối hợp với các chiến trường trong cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè 1972, Mặt trận Tây Nguyên đã mở chiến dịch giải phóng Đắk Tô – Tân Cảnh (Bắc Tây Nguyên). Chiến dịch được triển khai trên một địa bàn rộng thuộc Tỉnh Kon Tum với nhiều lực lượng tham gia. Trong đó, tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất khuất của kíp xe tăng T-54 số hiệu 377 thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn xe tăng 297 (Mặt trận Tây Nguyên) đã đi vào trang sử vàng, trở thành biểu tượng cao đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu.
Để giải phóng được Đắk Tô – Tân Cảnh, ta phải tiêu diệt được hai mục tiêu quan trọng nhất là căn cứ 42 và căn cứ Đắk Tô 2. Từ ngày 30 tháng 3 đến 23 tháng 4 các đơn vị phối thuộc tiến công tiêu diệt các cứ điểm của địch bố trí vòng ngoài.
Lúc 4 giờ 30 phút ngày 24/4/1972, bộ đội ta nổ súng tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đắk Tô - Tân Cảnh, sau 30 phút nổ súng tiến công, căn cứ địch chìm trong khói lửa, rung lên trong ánh chớp và tiếng nổ vang rền của đạn cối, pháo. Trên các hướng tiến công bộ binh nổ mìn định hướng và bộc phá vào những hàng rào cuối cùng. Sau khi diệt các lô cốt, hỏa điểm của địch ở sát cửa mở, xe tăng ta yểm trợ vượt lên dùng hỏa lực chi viện, dẫn dắt bộ binh xung phong tiêu diệt đánh chiếm các mục tiêu bên trong căn cứ.
Trung đội xe tăng 3 thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn xe tăng 297, Mặt trận Tây Nguyên (nay là Tiểu đoàn 3, Trung đoàn xe tăng 273, Quân đoàn 3) do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy, được giao nhiệm vụ phối hợp tiến công trên hướng Tây Bắc - hướng thứ yếu. Khi nổ súng, xe tăng T-54 số hiệu 377 và 352 tập trung bắn vào khu tháp nước, làm sập đài quan sát của chúng. Tiếp sau đó Trung đội xe tăng 3 cùng bộ binh tổ chức xung phong.
Xe tăng T-54 số hiệu 377 lập công xuất sắc trong trận đánh Đắk Tô - Tân Cảnh ngày 24/4/1972 - Ảnh Tư liệu BTTTG.
Kíp xe 377 không quan sát rõ đã chạy quá cửa mở, phải tạm dừng, dùng hỏa lực chi viện, kíp xe số hiệu 352 vượt lên cùng chiến sỹ bộ binh Đại đội 5, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 xung phong. Bất chấp sự kháng cự quyết liệt của địch, Trung đội tăng 3 tập trung hỏa lực diệt 3 xe tăng và nhiều hỏa điểm, ụ súng của địch, nhanh chóng đánh vào khu cố vấn Mỹ, tiến sát vào Sở chỉ huy Sư đoàn 22 nguỵ, phát triển sang khu nhà lính Tiểu đoàn 4 và khu nhà sỹ quan ngụy. Xe tăng 377 như một mũi tên thép lướt qua công sự chiến hào, vật cản của địch đánh vào trung tâm Sở chỉ huy Trung đoàn 42 nguỵ.
Trên các hướng khác, xe tăng phối hợp với bộ binh tiến công và lần lượt làm chủ trên các mục tiêu được phân công. Đến 8 giờ, ta cơ bản làm chủ khu vực căn cứ Đắk Tô - Tân Cảnh, Bộ tư lệnh Mặt trận chủ trương điều một trung đội xe tăng vận động theo đường 18 liên hiệp với Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 tiêu diệt địch ở căn cứ Đắk Tô 2.
Qua đài vô tuyến điện, đại đội trưởng giao nhiệm vụ cho Trung đội tăng 3 tiến công, mặc dù không có thời gian chuẩn bị nhưng Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, vừa cơ động, vừa quan sát nắm địch, đồng thời dẫn đầu một trung đội vận động với tốc độ cao, dũng cảm vượt qua các trận địa, ngăn chặn ác liệt của máy bay địch đến Đắk Tô 2 trước thời gian.
Thấy xe tăng của ta ít, quân địch điều 10 xe tăng M41 chia làm hai mũi ra bao vây. Do đi đầu đội hình nên kíp xe tăng 377 vào tình thế rất hiểm nghèo, bị lọt vào giữa vòng vây của địch. Một mình giữa bầy xe tăng địch nhưng các chiến sỹ kíp xe tăng 377 vẫn bình tĩnh lợi dụng từng bức tường, từng ụ đất, cơ động từ vật che khuất này đến lá chắn tại chỗ khác đối đầu với xe tăng địch. Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển mưu trí, dũng cảm chỉ huy xe 377 tả xung hữu đột, lao thẳng vào đội hình xe tăng địch bắn cháy liên tiếp 7 xe M41, làm rối loạn đội hình của địch.
Di ảnh 4 liệt sĩ trên kíp xe tăng 377 và một số hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp. Ảnh BTTTG.
Hai xe tăng số hiệu 354 và 369 trên đường cơ động, khi biết xe tăng 377 gặp khó khăn chờ chi viện đã cố gắng chạy với tốc độ cao nhất lao lên trận địa. Tuy nhiên, một xe tăng địch xuất hiện phía Nam sân bay lén nhả đạn trúng xe tăng 377. Xe bốc cháy, các thành viên trong xe đã anh dũng hy sinh. Đó cũng là lúc xe tăng, bộ binh ta dũng mãnh tiến lên tràn vào diệt địch, làm chủ Đắk Tô 2.
Toàn bộ kíp xe tăng 377 gồm: Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển, Trung đội trưởng kiêm Trưởng xe, quê xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh); Hạ sỹ Trần Văn Vịnh, Lái xe, quê xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc tỉnh Phú Thọ); Hạ sỹ Nguyễn Đắc Lượng, Pháo thủ, quê xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc tỉnh Phú Thọ); Hạ sỹ Hoàng Cao Ái, Pháo thủ, quê xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hải Hưng (nay thuộc tỉnh Hưng Yên).
Đối với bộ binh và xe tăng, đây là trận đầu ra quân đánh thắng ở chiến trường Tây Nguyên với địa hình rừng núi phức tạp. Tập thể xe tăng 377 đã lập được kỷ lục về hiệu xuất chiến đấu cao: 1 xe tăng 377 tiêu diệt 7 xe tăng địch trong một trận chiến đấu, đã nêu tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị kiên cường, điển hình về tinh thần kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, nêu cao tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu.
Xe tăng T-54 mang số hiệu 377 trong chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972) ở Tượng đài chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (Thị trấn Đắk Tô, Kon Tum).
Đồng đội tìm thấy xe 377 đang bốc cháy giữa ngổn ngang xác xe tăng địch, cả kíp xe 4 người đã anh dũng hy sinh, hóa thân vào chiến thắng. Bên cạnh thi thể không còn nguyên vẹn của những người anh hùng, chỉ còn đó những nắm cơm đã cháy thành than mà kíp xe chưa kịp ăn giữa hai trận đánh. Thương tiếc khôn nguôi, đồng đội đã để các anh nằm lại với đất mẹ Tây Nguyên, với Đắk Tô - Tân Cảnh, nơi kíp xe tăng 377 đã chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Trận đánh kết thúc thắng lợi, ta đánh sập hoàn toàn tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở Bắc Tây Nguyên. Xóa sổ một lực lượng lớn quân địch tương đương một sư đoàn tăng cường, gồm: Sở chỉ huy Sư đoàn 22, Trung đoàn 42, Trung đoàn 47, Trung đoàn thiết giáp 14, Tiểu đoàn dù 9, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 41), 1 tiểu đoàn pháo binh địch và toàn bộ cơ quan hành chính quận lỵ Đắk Tô và quận lỵ Đắk Sút lưu vong…
Sau này, nhiều cuộc tổng kết, hội thảo của Mặt trận Tây Nguyên và Quân đoàn 3 đều thống nhất đánh giá: Trận tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đắk Tô - Tân Cảnh là trận đánh linh hoạt, táo bạo, quyết đoán của người chỉ huy binh chủng hợp thành và người chỉ huy phân đội xe tăng. Đặc biệt, Trung đội tăng 3 và tập thể kíp xe tăng 377 dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển, trong hoàn cảnh không có thời gian chuẩn bị vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh một cách sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, chủ động tiến công tiêu diệt địch và lập công xuất sắc, lập kỷ lục cao nhất về hiệu suất chiến đấu của bộ đội xe tăng: 1 xe tăng ta tiêu diệt 7 xe tăng địch trong một trận đánh. Nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, thể hiện cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, xe tăng mang số hiệu 377 của Tiểu đoàn 297 Mặt trận Tây Nguyên đã được Ủy ban nhân dân huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum tổ chức trưng bày tại vị trí trang trọng nhất tại trung tâm huyện, nằm trên đường Hồ Chí Minh, cách vị trí lập công khoảng 2 km.
Tượng đài chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (Thị trấn Đắk Tô, Kon Tum).
Ngày 09 tháng 01 năm 2009, kíp xe tăng 377 được Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, một số hiện vật về kíp xe tăng 377 anh hùng được lưu giữ tại Bảo tàng Tăng - Thiết giáp, tiêu biểu là: Bi đông và sổ học tập chính trị của Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển; Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Đắc Lượng gửi người anh trai; Nòng súng tiểu liên AK của thành viên kíp xe; đặc biệt là Nắm cơm chưa kịp ăn của thành viên kíp xe bị cháy thành than khi xe tăng 377 bị trúng đạn,…
Xe tăng 377 trở thành tượng đài đặt ở giữa trung tâm thị trấn Đắk Tô, mảnh đất mà các anh đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước. Chiến công và sự hy sinh anh dũng của những Liệt sĩ thành viên kíp xe, đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng quân và dân Tây Nguyên cũng như các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Tăng - Thiết giáp.
Nguồn: Danh Hiệp - Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên
Sửa bởi người viết
2020-03-02T03:26:43Z
|
Lý do: Chưa rõ