Người lính không tên trên đỉnh Chư tan Kra
42 năm trước, tháng 3/1967, 1500 chàng trai Hà Nội đã nhập ngũ vào trung đoàn 209. Tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 8 và một số đại đội trực thuộc hầu hết là lính Hà Nội.
Như Trung đoàn Sông Lô thời đánh Pháp, Trung đoàn 209 ngày ấy có thể gọi là trung đoàn lính Hà Nội thời đánh Mỹ. Tiểu đoàn 8 được đặt tên là tiểu đoàn Đông Anh, lập những chiến công vang dội ở đường 13, Thiện Ngôn – Sa Mát, Tàu Ô – Xóm Ruộng, Xuân Lộc… được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tiểu đoàn 7 ngay từ tháng 3/1968 đã có một trận đánh táo bạo làm rung chuyển nước Mỹ mang tên Chư tan Kra.
Chúng tôi được lệnh để lại hậu phương miền Bắc các loại nhật ký, ảnh, giấy tờ, tiền bạc, thư từ… và thầm hiểu, lỡ có bề gì, quân địch sẽ không biết chúng tôi là ai và từ đâu tới. Từ đây, chúng tôi là những người lính không tên.
Tháng 2/1968. Không thể nào quên được cuộc hành quân hào hùng, thần tốc của trung đoàn bộ binh mũ sắt trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đèn dù Mỹ giăng đầy các trọng điểm. Chớp lửa, tiếng bom, tiếng xe, tiếng súng phòng không, tiếng con gái Thanh niên Xung phong hát, cười trêu ghẹo đoàn lính trẻ, tiếng những đoàn thương binh trên những xe chạy ngược chiều “Nhanh lên! Không thì ống bơ Mỹ không còn mà nhặt”.
Từ đất Lào, đoàn xe chở trung đoàn ra trận đã đụng độ biệt kích địch. Đến vùng ngã ba biên giới Việt – Lào - Campuchia, chúng tôi chuyển sang hành quân bộ. Tới điểm tập kết ở thượng nguồn sông Sa Thầy (Kon Tum) vẫn bị biệt kích Mỹ đeo bám. Dường như chúng đoán được hướng chiến dịch của Trung đoàn, trực thăng bò sát ngọn cây săm soi, B52 rải bom hú họa…
Tháng 3/1968, đoàn cán bộ trung đoàn và các đơn vị đi trinh sát chiến trường. Khi ấy, tôi là lính trinh sát pháo nên được đi theo đại đội trưởng Khải. Ra trận giữa đại ngàn Trường Sơn, đường rừng không chút nắng, tiếng vượn hú, tiếng chim, khỉ chạy theo từng đàn, những đường voi đi phân voi còn nóng. Gặp những người dân tộc, già trẻ, nam chỉ đóng khố, nữ chỉ mặc váy, ngực trần nâu bóng, mùi thuốc lá khét lẹt, họ gùi gạo, gùi đạn cho Cách mạng. Bên bờ suối, gặp những người đàn ông xanh xao, râu ria, mặc quần áo bà ba hoặc đồ bộ đội cũ kĩ, có người nấp sâu trong rừng vạch lá nhìn chúng tôi. Hỏi mới biết họ là lính Bắc vào trước chúng tôi vài năm, chỉ có một bộ đồ nên tắm giặt xong phải chui vào bụi chờ khô quần áo. Thương quá! Chúng tôi chia cho họ quần áo, lương khô và cả thực phẩm mang vào từ miền Bắc. Đêm ngủ, ngày đi, tiếng pháo địch nghe mỗi lúc một gần.
Chúng tôi tới Chư tan Kra, đó là dãy núi hình vòng cung hướng nam - bắc, ôm một phần thung lũng Kleng. Núi có 7 đỉnh, đỉnh chính giữa cao 1198m. Từ trên sườn đông Chư tan Kra, có thể quan sát được sân bay và chi khu quân sự Kleng phía dưới. Đây là một căn cứ quan trọng của Mỹ Ngụy, án ngữ đường 14 và thị xã Kon Tum cách đó hơn 30 km về phía đông. Chúng tôi gặp ông Lê Hữu Đức, sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng Sư đoàn 1, ông cùng trinh sát sư đoàn đã có mặt ở đây từ trước để chuẩn bị đánh Kleng. Lúc này tôi mới biết, trung đoàn 209 đã đổi thành trung đoàn 320 của Sư đoàn 1. Các tiểu đoàn 7, 8, 9 được mang mật danh là K4, K5, K6.
Đoàn trinh sát vào Kleng đêm thứ 3 thì bị lộ, có lẽ do đêm trước để lại nhiều dấu giầy dép và ai đó sơ ý làm rơi vật dụng hoặc thuốc lá Bắc Kỳ. Tôi nghe lính trong trại biệt kích hò hét: “Đ. má mấy thằng Bắc Kỳ” rồi bắn cối 81 ra các hướng như mưa.
Chúng tôi được lệnh quay trở lại, khi ấy các đơn vị cũng lần lượt tiến vào vị trí tập kết chiến dịch ở đông Chư tan Kra. Đoán chủ lực ta chuẩn bị đánh Kleng, Mỹ lập tức điều một số tiểu đoàn thiện chiến thuộc sư 1 (Anh Cả Đỏ), Sư 4 (phản ứng nhanh) và một số đơn vị pháo tăng cường lên khu vực Kleng để đối phó. Chúng dùng B52 rải thảm, bom phát quang, rồi hàng trăm lượt trực thăng đổ 1 tiểu đoàn Mỹ xuống đỉnh 995 – nơi ta vừa đặt Sở chỉ huy Trung đoàn ở lưng núi. Chúng nhanh chóng làm trận địa và lồng ngay sang đỉnh 996 thăm dò. Đại đội 5 chúng tôi và đại đội 3 ở đó. Vậy là trận chiến đánh Mỹ của chúng tôi bắt đầu.
Từ chốt 995 Mỹ đóng sang nơi chúng tôi đóng quân chỉ dưới ngàn mét. Hàng ngày, chúng cho quân sang đánh vào hướng C3. Nói là đánh thôi chứ thực ra gặp dăm loạt đạn, chết dăm thằng là chúng lôi xác lui ngay. Chúng gọi bom pháo bắn phá suốt ngày đêm, chỉ qua một ngày nơi trú quân trong rừng đại ngàn của chúng tôi đã ngổn ngang phơi mình dưới nắng. Lính C3 tức, nhử Mỹ vào thật gần rồi mới bắn, rồi đánh lấy xác. Chúng bắn đạn hơi cay, dùng đại liên bắn lúc đạn thật, lúc đạn giấy tùm lum lừa quân ta. Khi anh em nhổm dậy thì chúng đã bò lên, tung móc kéo xác lính chết ra hết.
Sau gần 3 ngày bị bom pháo, hai trung đội 7 và 8 của C3 bị thiệt hại nặng, đại đội trưởng Tán hy sinh cũng là lúc K4 được lệnh tập kích tiêu diệt quân Mỹ ở đỉnh 995. Chúng tôi có một buổi chiều để chuẩn bị cho trận chiến. Đầu tiên là phải lau chùi, kiểm tra súng đạn, rồi cơm nắm, lương khô, nước uống. Pháo từ 995 vẫn bắn sang C3 mù mịt. Dong hơn chúng tôi vài tuổi nên đã biết yêu, rút trong ba lô ra tấm ảnh giấu đơn vị mang theo, đó là cô gái tên Thịnh, khen người yêu đẹp và bảo em gái mình cũng đẹp, anh Giảng Trung đội trưởng mê lắm, và rút ra một phong thư “anh Giảng làm thơ tặng em gái tao đây này”. Dong không biết rằng, nhờ lá thư anh Giảng “cưa” em gái mình mà chiếc ba lô của Dong có địa chỉ, sau này ngược Trường Sơn hàng ngàn cây số về tới nhà Dong ở phố Ấu Triệu. Chúc chưa có người yêu thì lẩm nhẩm đọc “Những đêm dài hành quân nung nấu. Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Thằng An ở Lò Đúc bảo “Tao có lá thư gửi mẹ cất trong túi áo, lỡ có sao chúng mày nhớ gửi cho tao”. Chúng tôi không làm được điều đó vì lá thư đã cùng với anh nằm lại trên căn cứ Mỹ.
Trận đánh nổ ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 26/3/1068. Đại đội 1 chỉ sau 10 phút đã tiêu diệt tuyến phòng ngự của bộ binh địch, phát triển vào trung tâm trận địa pháo, nhét lựu đạn, thủ pháo vào từng nòng pháo. Bọn pháo thủ đưa chết, đua nhau chạy tán loạn. Đại đội 2 đánh vượt qua 3 tuyến chiến hào, công sự địch, bị chặn lại trước đỉnh 995 cao nhất. Pháo địch từ Kleng bắn đến dồn dập quanh đỉnh núi. Sau 20 phút ta làm chủ gần như hoàn toàn căn cứ Mỹ. C130 bay tới thả đèn dù sáng trưng và bắn xuống như vãi đạn. Căn cứ M2 dài hơn 500 mét ngổn ngang xác Mỹ. Những tên lính còn lại co cụm lên mỏm cao, nơi chúng đặt chỉ huy sở. Lúc này súng phun lửa, B41, B40 của ta đều đã hết đạn, địch bắn đạn khói màu phân tuyến giữ khu vực ta chiếm được với khu vực chúng đang cố thủ. Bắt đầu từ đây, đạn từ chiếc C130, pháo từ các trận địa của địch từ Kleng, đạn các loại từ ụ súng và lô cốt mẹ bắn ác liệt vào các hướng tiến quân của ta, như dựng lên một hàng rào lửa. Tiểu đoàn trưởng Trương Ân quyết định tung trung đội 9 đại đội 3 – lực lượng dự bị của tiểu đoàn và động viên những người lính còn lại tiếp tục tiến công diệt địch. Quân ta lớp lớp xung phong, lớp lớp ngã xuống, giành giật từng đoạn hào, ụ súng, giằng co cho tới sáng không dứt điểm được. Những người còn sống hầu hết đều đã bị thương, trong tay tiểu đoàn trưởng cũng không còn lực lượng chiến đấu nào nữa nên ra lệnh rút quân. Chính trị viên Phan Trung Bắc động viên lực lượng vận tải, thông tin, trinh sát “Đảng viên, đoàn viên hãy lên đưa thương binh tử sỹ ra khỏi trận địa”. Và chính anh Bắc, anh Huy trung đội trưởng thông tin đã bị thương khi lên trận địa cứu thương binh xuống.
Sau này, anh Quý lính thông tin tiểu đoàn bảo, trận này còn có một trung đội đặc công đánh thọc sâu, do anh Lệ dẫn đường, nhưng không thấy có ai trở về. Và còn có một trung đội súng phun lửa, không biết tên ai, không biết ai còn ai mất? Những người lính không tên đã ra đi như vậy, ngày sau tên các anh có thể trở về trên một tờ giấy báo lạnh lùng: hy sinh tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang mặt trận! Họ đã được nhà thơ – liệt sỹ Lê Anh Xuân khắc họa: “Tên anh đã thành tên đất nước”.
Tôi mơ ước một ngày, tên các anh được khắc chung trên một tấm bia lớn đặt trong khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội hy sinh trên dãy núi Chư tan Kra của Tây Nguyên.
(Hồ Đại Đồng
- Tổng Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Lai Châu – Cựu chiến binh C5, D7, E209, F312).