tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Đại tá Trương Đức Chữ : Phái viên chiến trường ở Thượng Đức 1974

Tôi là người Bình Định nhưng duyên nợ nhiều với Quảng Nam. Đó là khi tôi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17 Tỉnh đội Quảng Nam đầu năm 1954, cùng đơn vị tham gia chiến đấu cho đến khi tập kết ra Bắc năm 1955. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự cao cấp Nam Kinh (Trung Quốc), tôi được điều về công tác ở Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), làm trợ lý chiến trường chuyên theo dõi chiến trường B, chủ yếu là Quân khu 5 và Tây Nguyên. Gần 20 năm sau, về lại Quảng Nam, tôi gắn bó thêm với xứ Quảng qua trận đánh để đời: Thượng Đức.
Tháng 5- 1974, tôi vào Khu 5, dự cuộc họp của Thường vụ Khu ủy và Quân khu thông qua kế hoạch hoạt động mùa thu năm này, huy động lực lượng địa phương tấn công đánh phá kế hoạch bình định của địch giành dân, mở rộng vùng giải phóng. Đặt vấn đề và được Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân đồng ý, tôi viết điện ra BTTM đề nghị sử dụng Sư đoàn 304 tiến công tiêu diệt giải phóng chi khu quận lỵ Thượng Đức, tạo bàn đạp trực tiếp uy hiếp căn cứ liên hợp Đà Nẵng, nghiên cứu khả năng đối phó lực lượng cơ động chiến lược quân ngụy và phản ứng của Mỹ. Chiều họp lại, chúng tôi nhận được điện của BTTM đồng ý điều động Sư đoàn 304. Bức điện do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng ký. Cuộc họp chiều hôm đó bàn thêm về chỉ đạo, chỉ huy và bảo đảm cho hướng chủ yếu Thượng Đức thắng lợi.
Vào Khu 5 và trực tiếp chỉ đạo đánh Thượng Đức nhưng anh Lê Trọng Tấn mới đến Giằng, trên lại có điện gọi anh ra Hà Nội. Trước khi ra về, anh dặn dò cán bộ của BTTM tăng cường vào Khu 5 cần nắm chắc tình hình giúp Bộ chỉ đạo trận này và các trận sau. Lúc này Sư đoàn 304 giằng co với địch rất quyết liệt. Chiều ngày 2-8-1974, chúng tôi đến Sư đoàn 304 gặp mặt đồng chí Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 304; đồng chí Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Đà và nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương có mặt để huy động lực lượng địa phương giúp đỡ phối hợp với sư đoàn đánh Thượng Đức. Mọi người nghiên cứu kỹ và bàn biện pháp khắc phục cách đánh trước. Tất cả nhất trí cần thêm lực lượng địa phương mở hướng tấn công thu hút địch ở phía nam, nhất thiết phải đưa 2 khẩu pháo nòng dài 85 lên điểm cao 229 tây Thượng Đức ngắm bắn trực tiếp diệt lô cốt mẹ và diệt hỏa điểm địch.
Đêm 6-8, đơn vị triển khai kế hoạch tiến công dứt điểm Thượng Đức. Tôi và đồng chí Chí Trung, Cục Chính trị được phái đến Sở chỉ huy Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) kiểm tra việc bố trí chuẩn bị tiến công. Đến 22 giờ vẫn chưa thấy pháo trên điểm cao. Tôi gọi điện báo cáo về sở chỉ huy Sư đoàn. Các anh ra lệnh: Khi chưa đưa pháo 85 lên điểm cao ngắm bắn trực tiếp thì chưa được tiến công. Quân khu tăng cường cho Sư đoàn 304 một tiểu đoàn đặc công từ hậu phương mới vào trên 400 quân để giúp bộ đội pháo tháo, vác, kéo pháo lên điểm cao. Đến 3 giờ ngày 7-8-1974, pháo mới bố trí xong ở vị trí. Mờ sáng ngày 7 - 8, chuẩn bị xạ giới sẵn sàng bắn. Khi nhìn rõ lô cốt và có lệnh pháo ta tập trung bắn vỡ lô cốt mẹ cố thủ và các lô cốt còn lại; các khẩu phòng không 37 cũng hạ nòng bắn vào lô cốt địch kết hợp với hỏa lực đi cùng yểm hộ bộ binh đồng loạt xung phong. Trận đánh thắng lợi hoàn toàn.
Sư đoàn 304 kiên cường đánh bại các đợt phản công làm cho địch phải bỏ ý định phản công chiếm lại Thượng Đức. Thấy rõ địch không thể làm gì được với Thượng Đức và đã chuyển vào phòng ngự chiến lược, tôi ra Hà Nội báo cáo và đề nghị với trên tiếp tục giữ lực lượng Quân đoàn 2 tiến công tiêu diệt kìm giữ lực lượng tổng dự bị địch ở Đà Nẵng- Huế, bảo đảm cho hướng tiến công chủ yếu năm 1975. Đây cũng là báo cáo và đề nghị cuối cùng của tôi qua 14 năm trợ lý chiến trường B ở Cục Tác chiến BTTM, bởi vì sau đó tôi chuyển công tác.
“Trận Thượng Đức cho phép rút ra nhận định: Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của ngụy. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: Địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh”. Nhận định đầy sức thuyết thuyết phục này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên quan rất lớn đến hạ quyết tâm chiến lược với những trận quyết chiến giành toàn thắng. Chiến thắng Thượng Đức cũng được nhắc đến trong Hội nghị Bộ Chính trị ngày từ 30-9-1974 đến 8-10-1974, như để khẳng định thêm thời cơ của cách mạng Việt Nam.


Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.