Cải cách của Khúc Hạo
Sau thời kỳ Bắc thuộc, nhân dân ta phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề bởi chính sách cai trị của phương Bắc. Chúng thi hành hang loạt các đạo luật bóc lột hết sức dã man và đẩy dân ta đến bước cùng của sự khốn khổ. Ngoài ra, chúng còn thực thi chính sách cống nạp và tô thuế rất nặng cho đất nước ta; quan lại thì cướp bóc, nô dịch, vơ vét dân chúng để làm của riêng, đẩy nhân dân vào con đường bi thảm. Vì thế mà nhân dân đã cực nay còn cực gấp trăm lần; nhiều người phải tự tay bán vợ, bán con rồi trở thành nô lệ cho nhà giàu, một bộ phận khác bị cướp mất ruộng đất hay không có ruộng cày thì đều bị biến thành nông nô; nhiều nông dân bị phá sản, lưu vong mà người xưa hay gọi là “dân vong mệnh”. Cũng trong hơn một thiên niên kỷ ấy, chính quyền cai trị phương Bắc không chỉ dừng lại ở việc cướp bóc, vơ vét tàn bạo nhân dân ta mà chúng còn thực thi âm mưu đồng hóa dân tộc ta nhằm biến Đại Việt thành quận, huyện của Trung Hoa. Điều này hết sức nguy kịch cho dân tộc ta và đòi hỏi sự thống nhất dân tộc ngay và trả Đại Việt về với chính nguồn gốc của họ, xây dựng lại một chính quyền thống nhất của nhân dân Đại Việt.
Đầu thế kỷ X, nhà Đường suy yếu nghiêm trọng, thừa cơ hội ấy, năm 905, Khúc Thừa Dụ được sự giúp đỡ của nhân dân đã đứng lên lật đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, tự xưng là Tiết độ sứ. Tuy chỉ xưng là Tiết độ sứ hay trên danh nghĩa đương thời thì ta vẫn thuộc sự quản lý của Trung Hoa nhưng Khúc Thừa Dụ đã xây dựng một nền chính quyền dân chủ cho nhân dân An Nam buộc nhà Đường phải thừa nhận Khúc Thừa Dụ là Tĩnh hải quân Tiết độ sứ và phong cho Thừa Dụ tước Đồng bình chương sự.
Điều này cho thấy khả năng lãnh đạo xuất chúng của ông và việc thông nhất nước nhà sau 1000 năm đô hộ của Trung Hoa đã đặt nền móng cho sự kế tục của thế hệ sau ông. Năm 907, Khúc Thừa Dụ qua đời, Khúc Thừa Hạo- con trai của ông thay ông nối tiếp sự nghiệp và cũng tự xưng là Tiết độ sứ. Có một điều mà sử sách đã ghi lại: việc nhà Hậu Lương đã công nhận và phong chức “An Nam đô hộ sung tiết độ sứ” cho Khúc Hạo ngày 01-09-907, nhưng đến năm 908 lại cho Lưu Ẩn- một viên quan cũ của nhà Đường cai quản miền Quảng Châu- Trung Quốc làm “Tĩnh hải quân tiết độ, An Nam đô hộ”. Qua điều này, ta có thể thấy âm mưu xâm chiếm lãnh thổ nước ta của phương Bắc vẫn chưa từ bỏ.
Khúc Hạo bắt đầu thi hành nhiều cải cách mang yếu tố quan trọng để cải thiện phần nào đời sống cơ cực của nhân dân ta. Ông tiến hành chia lại các đơn vị hành chính, tổ chức lại chính quyền, sửa đổi lại chế độ to thuế, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân. Việt sử thông giám cương mục nhận xét: dưới thời Khúc Hạo “chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị, nhân dân đều được an vui. Khúc Hạo được tôn xưng là “Chúa hiền của nước Việt”. Theo Việt giám thông khảo tổng luận, Lê Tung gọi Khúc Thừa Dụ là Khúc Tiên Chúa, mấy đời là hào tộc mạnh, nhân nhà Đường mất, lòng người yêu mến, suy tôn làm chúa, dựng đô ở La Thành. Khúc Trung Chúa (tức Khúc Hạo) nối cơ nghiệp trước, có phong thái của ông nội. Không rõ Lê Tung viết Khúc Hạo là con hay cháu của Khúc Thừa Dụ.
Nguồn sử liệu ít ỏi còn lại của ta chỉ có thể khái quát về một số cải cách đó. Khúc Hạo bước đầu xây dựng từng bước bộ máy nhà nước, tổ chức xã hội, kinh tế- tài chính và dần hoàn thiện trong các bước tiếp theo để thành lập một bộ máy chính quyền riêng của mình; để dần thoát khỏi sự lệ thuộc, ảnh hưởng, chi phối của các thế lực thù địch phương Bắc.
Về phương diện chính trị, ông chủ động chia cả nước thành những đơn vị hành chính các cấp như: lộ, phủ, châu, giáp(hương), xã. Ông đã xóa bỏ đơn vị “hương” và thay vào đó là “giáp”, bởi lẽ từ xưa đến nay, đất nước ta không hề tồn tại đơn vị này và việc sử sụng đơn vị “hương” của Trung Hoa cũng phần nào cho ta thấy âm mưu Hán hóa dân ta của quốc gia này là vô cùng tinh vi. Theo đơn vị đã chia, đặc biệt là xã, mỗi xã ông đặt ra xã quan, một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng trông coi góp phần tăng cường sự quản lý trực tiếp của nhà nước đến từng đơn vị hành chính cơ sở . Đơn vị “hương” trước đó do Trung Hoa xây dựng được đổi thành đơn vị “giáp”; đứng đầu đơn vị này là Quản giáp và Phó tri giáp. Theo An Nam chí của Cao Hùng Trưng (Trung Quốc- TK XVII), Khúc Hạo đã đặt thêm 150 giáp, tính thêm số giáp trước đó (nhà Đường đã xây dựng hệ thống gồm 159 hương) lên tổng số 314 giáp.
Về mặt kinh tế, Khúc Hạo đã đổi mới trên một số phương diện, phù hợp với tình hình của đất nước hiện tại bấy giờ. Ông cho đổi chế độ điền tô và phu dịch. Với chính sách “bình quân thuế ruộng”, ông đã kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với làng xã nông thôn nước ta những năm đầu thế kỷ X, khi phương thức sản xuất Châu Á còn hiện diện nhiều trong xã hội. Đã có nhiều sử gia cho rằng dân tộc ta đã trải qua một thời kỳ gọi là phương thức sản xuất Châu Á (ở phương Tây tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ) mà điển hình đặc trưng cho chế độ ấy là sở hữu công cộng về ruộng đất; nhất là trong giai kỳ ấy, công xã nông thôn đang tồn tại một cách phổ biến và có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở bền vững của xã hội. Với chính sách của mình, Khúc Hạo đã giao lại quyền sỡ hữu ruộng đất trong thực tế cho các công xã và quyền lợi công bằng khi hưởng về sự phân chia ruộng đất đối với mỗi thành viên trong công xã ấy.
Ở mặt ngoại giao, Quảng Châu mạnh lên, tháng 9 năm 917, em Lưu Ẩn là Lưu Nghiễm (lên thay từ năm 911) tự thân mình xưng đế, rồi thành lập ra nước Nam Hán ngự ở vùng Hoa Nam (tức vùng Quảng Tây, Quảng Đông ngày nay), một trong mười nước thời Ngũ đại Thập quốc . Nhận thấy điều này có nguy hại đến dân tộc, Khúc Hạo sai con là Khúc Thừa Mỹ làm “hoàn hảo sứ” sang Hoa Nam với hai mục đích, bề ngoài là để ‘‘kết mối hoà hiếu’’ với dòng họ Lưu, song bên trong lại muốn xem xét tình hình hư thực của địch. Cuối năm 917 khi Khúc Thừa Mỹ trở về thì Khúc Hạo mất. Khúc Thừa Mỹ đã sang nhà Lương (với tư cách là một triều đại thuộc nhà Đường) xin lĩnh “tiết việt” với ý nghĩa chung là thần phục và cũng nhờ thế mà đất nước ta tiếp tục yên bình.
Những cải cách đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Khúc Hạo đã đóng góp nhiều công ích cho dân tộc lúc đương thời. Với những cải cách tiến bộ của mình, ông đã từng bước xây dựng một chính quyền tự chủ và thống nhất toàn diện từ trung ương đến địa phương. Vượt qua những yếu điểm và phát triển những thiết chế đã có của thời Đường, Khúc Hạo đã xây dựng một nền kinh tế công bằng không chỉ khi xóa bỏ chế độ thuế, tô, dung điệu, mà ông đã cho nhân dân quyền làm chủ ruộng đất của mình, các hộ gia đình đóng thuế bằng nhau cho Nhà nước thông qua các công xã. Điều này phần nào xác lập chủ quyền ruộng đất công trên danh nghĩa Nhà nước; chính việc này đã đóng góp 1 phần trong việc xác lập chế độ phong kiến tập quyền sau này. Trên hết, chính cuộc cải cách của Khúc Hạo năm 907, là biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc, tự chủ của Đại Việt đã được xác lập lúc bây giờ, là tiền đề để khẳng định dân tộc ta là một dân tộc độc lập, có chủ quyền, không còn bị phương Bắc đô hộ nữa.
Song, trong những cải cách của Khúc Hạo dường như vẫn còn một số vấn đề mà ông chưa thể giải quyết được lúc bấy giờ. Vấn đề quan trọng là nô tì vì nợ mà bán mình và nông nô không có ruộng đất ông không giải quyết được. Dù Khúc Hạo có xây dựng một nề kinh tế tự chủ và công bằng khi ai cũng có quyền sở hữu ruộng đất nhưng số nô lệ vì nghèo mà bán thân trước đó nếu không được giải thoát thì họ có thể có được quyền sở hữu ruộng đất hay không, hay trên danh nghĩa thì dù có sở hữu được thì vì họ là nô lệ nên trước sau gì, số ruộng đất ấy cũng về tay chủ của họ? Và thuế công bằng không khi ai cũng trả như nhau, có thực sự hợp lý lúc bấy giờ ? Khi nhà Đường cai trị, chúng đã cướp bóc và vơ vét nhân dân ta đến tận cùng, vì vậy số đã giàu sẽ trở nên giàu hơn, còn nghèo thì lại càng nghèo hơn nữa. Vậy lúc ấy trả thuế bằng nhau, thì người giàu họ có đủ khả năng để trả, còn những người bị cướp vét hết tài sản và trở thanh nô lệ hoặc vô sản thì tài sản, tiền đâu để họ có thể trả thuế cho Nhà nước. Thực sự có phù hợp với xã hội đương thời hay không ?
Với những đóng góp đầu tiên trong việc canh tân đất nước của Khúc Hạo đã xây dựng nên một tiền đề nhất định cho tình hình đất nước lúc bấy giờ. Cuộc cải cách có nhiều ưu điểm nhưng không thể nào không thiếu sót, tuy nhiên nó đã góp phần thúc đẩy những nhà cải cách có cùng chí hướng muốn thay đổi xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn vươn lên và vượt qua những nhược điểm, những yếu sót là Khúc Hạo đã gấp phải để hoàn thiện những cải cách của chính mình.