tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Chiều 18-12, trong tiết đông, nhưng đi giữa Hà Nội lại thấy lòng ấm áp… Trước tiền sảnh Nhà Hát Lớn hàng trăm cựu chiến binh, ngực kín huân, huy chương, nét mặt rạng ngời tề tựu, tay bắt, mặt mừng, xúc động bên nhau nhớ lại những ngày tháng hào hùng của 60 năm về trước. Mùa đông năm 1946, họ là những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Hồ Chủ tịch trao: “Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”…
Chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy các cụ bà, cụ ông-chứng nhân của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa đứng lặng trong khán phòng của nhà Hát Lớn để nghe lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“… Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”. Lời của Bác như mạch nước nguồn thấm đẫm những trái tim đang rực lửa cách mạng. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ quyết tử Thủ đô, mái tóc đã bạc, nhưng giọng nói mạch lạc, khúc triết khi nhớ lại mùa đông năm 1946. Theo cách nói của ông, một mùa đông mà vận mệnh của Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng đấy cũng là mùa đông mà lòng người hoà trong hồn nước thiêng liêng. Đồng bào, chiến sĩ Hà Nội dù chỉ với bom ba càng, súng tiểu liên và chai xăng đã anh dũng chống chọi lại với đại bác, xe tăng và máy bay địch...
Ngồi ngay hàng ghế đầu là hai cụ già dáng trông quắc thước, râu tóc bạc phơ, đó là Thiếu tướng Hoàng Dũng và Thiếu tướng Đặng Văn Duy, cả hai đều là những chiến sĩ quyết tử ở Hà Nội những ngày mùa đông năm 1946. Thiếu tướng Hoàng Dũng (tên thật là Nguyễn Đình Sơn), nguyên là Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng kể: “Tôi bây giờ đang định cư cùng các con tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi nhận được điện của anh Hàm, tôi liền cấp tốc ra ngay. Cũng đã lâu lắm rồi chúng tôi mới lại có dịp gặp nhau đông đủ như thế này. Những ngày Toàn quốc kháng chiến chúng tôi mới có mười chín, đôi mươi, còn trẻ lắm. Nhà tôi có ba chị em cùng tham gia chiến đấu ở Hà Nội. Chị lớn là Nguyễn Minh Thanh, chị thứ hai là Nguyễn Thị Kim và tôi. Hai chị ấy đều ở trong Hội phụ nữ cứu quốc Liên khu III, còn tôi là tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu. Sau khi nổ súng được ít ngày, chúng tôi được nhập vào tiểu đoàn Vệ quốc đoàn có phiên hiệu là An Giao bảo vệ Liên khu III”.
Theo tay ông Dũng chỉ, chúng tôi đến gặp người phụ nữ có khuôn mặt thanh nhã, bà chính là chị ruột của ông Dũng. Bà Thanh bảo: “Ngày ấy chính chúng tôi đã vận động các chị cô đầu ở phố Khâm Thiên vào đội tự vệ, đội hồng thập tự. Trước đó, các chị ấy có vẻ tự ti lắm, nhưng khi hòa nhập vào tập thể, thấy chẳng có ai phân biệt đối xử gì, nên các chị ấy vui vẻ hẳn. Vả lại ngày ấy kháng chiến, lúc nào cũng đi dưới bom rơi, đạn nổ, ai cũng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng vì một mục tiêu cao cả, nên dễ xích lại gần nhau, dễ làm bạn của nhau. Các tự vệ cô đầu ngày ấy cũng làm được rất nhiều việc, nhưng có lẽ còn ít người biết đến…”. Tôi được biết thêm chồng của bác Thanh chính là cụ Tô Hữu Hạnh, nguyên giám đốc bưu điện Hà Nội, người đã trực tiếp đã trực tiếp lắp ráp chiếc máy thu thanh hiệu Phi-líp để Chính phủ lâm thời nghe bản tuyên bố đầu hàng của phát-xít Nhật trước quân Đồng minh năm 1945. Hiện nay chiếc máy thu thanh này đang được lưu giữ trong Bảo tàng Cách mạng.

Trong một góc khán phòng, nhà giáo Giang Ngọc Diệp năm nay đã 70 tuổi bồi hồi nhớ lại: “…Tôi không bao giờ nghĩ mình lại được đứng trong hàng ngũ của những người Quyết tử sống mái với Thủ đô. Thủa ấy tôi mới có mười tuổi đầu. Cuộc sống của tôi gắn liền với chiếc hòm đánh giày. Tối 19-12-1946, chúng tôi vẫn đang lang thang ở khu Đồng Xuân để chờ đánh giày thì được một anh Vệ quốc đoàn kéo vào và giao cho một bức thư nói là phải chuyển ngay xuống cho các anh bộ đội ở Đồng Xuân. Anh ấy dặn dò cách đi đứng cẩn thận và bảo tuyệt đối không được để lọt thư vào tay quân Pháp. Tôi và anh Nguyễn Trường Sơn cùng một anh nữa, đều là bạn đánh giày của nhau, bàn bạc và cho bức thư xuống đáy hộp xi đánh giày, rồi xách đi, miệng vẫn cứ rao đánh giày như thường. Bằng cách ấy chúng tôi đã chuyển được bức thư đến tận tay các anh Vệ quốc đoàn ở Đồng Xuân. Sau này tôi mới biết đấy là hiệu lệnh các anh ấy truyền cho nhau để thông báo giờ nổ súng. Những ngày sau nữa, tôi vẫn được anh Vệ quốc đoàn ấy nhờ đưa thư. Mãi sau này tối mới biết, nguời ấy chính là anh Nguyễn Trọng Hàm, trưởng ban liên lạc Trung đoàn Thủ Đô ngày nay. Cũng nhờ những ngày Toàn quốc kháng chiến, mà tôi như được đổi đời, sau này tôi được đi học, rồi thi đỗ vào lớp đệ nhất trường Chu Văn An và bắt đầu cuộc đời của một nhà giáo từ ấy…”.

Trong buổi gặp mặt này tôi nhận ra, cuộc kháng chiến Toàn quốc dường như có một sức hút kỳ lạ. Đã có nhiều cảnh đời, nhiều số phận kết lại với nhau để tạo nên một trang lịch sử bằng vàng cho dân tộc. Tôi cũng không thể ngờ, Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Viện trưởng Viện châm cứu Việt Nam, cũng là một trong những chiến sĩ quyết tử giữ Liên khu I. Ông hồ hởi kể với chúng tôi ngay trước sảnh Nhà Hát Lớn: “Các cậu đừng tưởng tớ là giáo sư thì không biết đánh giặc đâu nhé. Ngày ấy tớ cùng bác Vũ Lễ đây và một số anh em khác đã tham gia đánh trận Trường Ke và trận Đồng Xuân. Khi lính Pháp đến, chúng mình cũng giật, cũng ném lựu đạn tới tấp, mặc dù trước đó ít ngày còn chưa biết lựu đạn là gì, cách bắn súng ra sao. Ấy thế mà sau vài ngày nhập vào tự vệ thành, anh nào cũng chiến đấu giỏi cả. Chỉ sau này hết giặc rồi mình mới trở thành giáo sư đấy chứ…”. Nhìn vị giáo sư cười sảng khoái và sôi nổi trò chuyện với các bạn một thời Quyết tử, tôi bỗng thấy đất nước mình có những người con thật là kỳ lạ, khi đất nước có giặc, họ có thể cầm súng, khi đất nước hòa bình, họ có thể trở thành nhà khoa học. Đất nước như thế thì không kẻ thù nào là không khiếp sợ.
Câu chuyện của chúng tôi còn dang dở thì tiếng loa thông báo buổi lễ bắt đầu. Trong khán phòng chính của Nhà Hát Lớn phút chốc đã chật cứng người. Không phải chỉ có các cựu chiến sĩ Quyết tử mà còn có khá nhiều các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các bạn trẻ tham dự buổi lễ. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói hộ tiếng lòng của lớp lớp thế hệ trẻ đi sau với các bậc cha anh đi trước: “Tuổi trẻ hôm nay không bao giờ đánh mất, càng không bao giờ quay lưng lại với lịch sử, với chiến công hiển hách của cha ông mình. Họ luôn mang trong mình hành trang của một thời cha ông đánh giặc bởi có những ngày khói lửa mới có những ngày sôi động cuộc sống hôm nay...”. Chúng tôi được gặp chị Hoàng Thị Hường, con gái của đồng chí Hoàng Siêu Hải-Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Thủ Đô. Chị Hường hiện công tác ở Công ty Môi trường và Đô thị Hà Nội. Chị nói: “Soi vào những chiến công rực rỡ ấy, chúng tôi thấy còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới xứng đáng với sự cống hiến hết mình cho Tổ quốc của cha ông...”.
Biết có cuộc gặp mặt của các cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô tại Nhà Hát Lớn, tiền sảnh quảng trường đông hẳn lên. Còn rất nhiều bà con nhân dân trong đó có khá nhiều học sinh, sinh viên và cả du khách nước ngoài muốn được vào khán phòng để trực tiếp nghe các cụ “Quyết tử” trò chuyện, nhưng không thể, nên họ đợi. Em Trần Thanh Huyền Phương, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng dí dỏm:
- Em thường đi học qua Tượng đài các chiến sĩ Quyết tử (trên vườn hoa Vạn Xuân), hôm nay muốn tận mắt được nhìn ngắm các cụ là nguyên mẫu. Em thật sự xúc động trước tình cảm của các cụ hôm nay, thế mới hiểu, 60 năm trước, trái tim trẻ rực lửa của các cụ dành cho Tổ quốc sâu nặng đến thế nào...

Chiều dần buông, mọi người dùng dằng mãi mà vẫn chưa rời khỏi quảng trường. Ngay cả các bạn trẻ cũng níu các ông, các bà “Quyết tử” lại để hỏi chuyện. Nhìn hình ảnh ấy chúng tôi bỗng thấy niềm vui dâng trào trong lòng, có lẽ dòng nhiệt huyết cách mạng của cha anh ngày nào đang lan dần sang thế hệ trẻ. Họ cũng sẽ lại là những chiến sĩ “Quyết tử” khi đất nước đứng trước họa xâm lăng…


Theo : qdnd.vn
Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.