tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Năm Canh Dần (990), Hoàng đế Lê Hoàn đã có cách đón tiếp sứ Thiên triều thật độc đáo.

Năm Canh Dần (990), vua Tống Thái Tông cử Tống Cảo làm Chánh sứ và Vương Thế Tắc làm Phó sứ mang chiếu thư sang gia phong cho Lê Hoàn (941-1005) chức “Đặc tiến”. Đó là một chức quan to dưới hàng tam công, chỉ vua chư hầu nào có công đức, được triều đình Trung Quốc kính trọng mới được phong chức này. Trước đó, sau khi đánh tan cuộc xâm lược của nhà Tống vào năm 981, Lê Hoàn mới được vua Tống phong Tiết Trấn (985), rồi Kiểm hiệu Thái bảo sử trì tiết đô đốc Giao châu chư quân sự, An Nam đô hộ, Tĩnh hải quân tiết độ sứ (986), Kiểm hiệu Thái ủy (988).
Vua Lê đã sai tướng Đinh Thừa Chính mang 9 chiến thuyền và 300 quân sang tận Liêm Châu thuộc Quảng Đông, Trung Quốc để đón sứ giả theo yêu cầu của nhà Tống, nhưng đây cũng là cách để giám sát các hoạt động của sứ thần. Mặt khác, ông cũng muốn cho sứ giả thấy đến kinh đô Đại Cồ Việt xa xôi, vất vả thế nào. Đoàn thuyền đi hơn nửa tháng mới tới cửa sông Bạch Đằng và đến tận tháng 10 năm đó, sứ bộ mới đến được trạm đón tiếp gần kinh thành Hoa Lư.
Khi đến kinh đô, để cho sứ thần thấy được sức mạnh của Đại cồ Việt về quân sự cũng như sự sung túc về kinh tế, Lê Hoàn đã tổ chức diễu binh, diễn tập quân sự trên sông nước và trên bộ. Trên sông, thủy quân dàn trận, chiến thuyền san sát, quân sỹ reo hò chèo thuyền, khua chiêng, trống vang trời. Thấp thoáng trong sườn núi, bộ binh quân phục rực rỡ đi lại tấp nập, cờ xí, khí giới rợp trời, bụi bay mù mịt. Còn trên cánh đồng mêng mông, hàng vạn con trâu bò rong ruổi.
Lê Hoàn cưỡi ngựa cùng đoàn tùy tùng ra ngoài thành đón sứ thần. Gặp sứ Tống, Lê Hoàn vẫn ngồi trên mình ngựa chỉ khẽ nghiêng mình thi lễ, sau đó thong dong cùng vào thành.
Trong cung vua, ở cửa Minh Đức, vua giơ tay đón lấy bài chế của vua Tống từ tay sứ giả để lên trên điện, song không lạy. Ông giải thích vừa đi đánh giặc Mán, ngã ngựa, chân đau, không lạy được. Chánh sứ Tống Cảo cũng đành chịu. Theo nghi lễ của Trung Quốc lúc đó, khi nhận chiếu thư của Thiên triều, vua các nước chư hầu đều phải lạy. Đây là lần đầu tiên, vua nước ta nhận chiếu thư không lạy.
Lê Hoàn đã cho mở đại yến tiệc ngoài bãi biển để chào mừng sứ thần. Chủ và khách vừa ăn tiệc vừa múa hát và lấy trò đâm cá làm vui. Có lúc Hoàng đế Lê Hoàn và các quan dự yến cởi cả mũ áo, cân đai cùng tham gia trò đâm cá. Mỗi khi có người đâm được cá thì hò reo nhảy múa. Sứ Tống tỏ ra lúng túng. Bỏ cân đai, hia, mũ áo tham gia đâm cá thì còn gì thể thống của sứ Thiên triều, mà ngồi yên thì không khỏi sượng sùng.
Vua Lê còn mời sứ giả xem những người lính Đại Cồ Việt tay không đánh nhau với hổ trong sân nhà vua. Hổ dữ gầm thét lồng lộn để vồ lấy người, nhưng đã bị những người lính “tặng” quả đấm như trời giáng vào hai thái dương và bị đạp vào chỗ hiểm nên chỉ còn điên cuồng giãy giụa. Sau trận đấu hổ là trò trăn dữ biểu diễn. Trăn có thể nuốt người ăn thịt hoặc vặn mình cho đến nát, song đã bị người lính bé nhỏ điều khiển, cho quấn lên cổ mà không khiếp sợ. Lê Hoàn còn hỏi sứ giả có dám ăn thịt trăn thì làm thịt thết đãi. Tống Cảo sợ khiếp vía và từ chối.
Cách đón tiếp sứ Thiên triều của Hoàng đế Lê Hoàn thật độc đáo. Ông đã cho sứ giả thấy sức mạnh quân sự của Đại Cồ Việt - từng đánh tan cuộc xâm lăng của quân Tống và đánh thắng quân Chiêm Thành, vua tôi có bản lĩnh kiên cường, người Việt dũng mãnh, kiên cường đánh nhau cả thú dữ, uy hiếp tinh thần sứ giả và còn đường đến kinh đô Đại Cồ Việt xa xôi, hiểm trở và vô cùng vất vả. Lê Hoàn đã nói thẳng với Tống Cảo: Đường sá xa xôi, núi non hiểm trở này nếu có quốc thư cứ xin giao nhận ở biên giới, khỏi phiền sứ giả đến Hoa Lư. Vua Tống đã đồng ý.
Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.