tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia giải phóng Thượng Đức.

Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 trong chiến dịch Thượng Đức, cho biết: Chi khu quận lỵ Thượng Đức là một cụm cứ điểm nằm trong thế phòng thủ chung của Quân khu 1 Ngụy, cách Đà Nẵng khoảng 50 km về phía Tây Nam. Thượng Đức có địa hình hiểm trở, ba bề là núi cao, dốc đứng, phía Đông là hợp lưu của dòng sông Vu Gia và sông Côn, chỉ còn phía Tây là có thể tiếp cận được, địch đã bố trí tiền đồn bảo vệ và phát hiện đối phương từ xa. Mỹ-Ngụy đã xây dựng một cụm cứ điểm mạnh, với lực lượng cực kỳ phản động và ngoan cố. Chúng xây dựng tại đây hệ thống 35 lô cốt lớn và hầm ngầm bằng bê tông cốt thép hai tầng, hàng trăm lô cốt tiền duyên, ụ súng nửa chìm, nửa nổi. Tất cả mọi hoạt động khi xảy ra tác chiến đều ở dưới mặt đất. Khi bị tấn công Thượng Đức được hoả lực các trận địa pháo ở Ba Khe, Động Hà Sống, Núi Lở trực tiếp chi viện. Ngoài ra, các trận địa pháo tầm xa và pháo cơ động của Sư đoàn 3 Nguỵ từ 65- 70 khẩu và 60 lần chiếc máy bay/ngày từ Đà Nẵng lên chi viện. Lực lượng tại chỗ và ứng cứu giải toả của địch đông, vào thời điểm chiến đấu khoảng 16 ngàn tên. Chúng còn dồn 13 ngàn dân các xã lân cận và thị trấn Hà Tân vào xung quanh căn cứ để làm bia đỡ đạn cho chúng và dễ bề kìm kẹp.
Tiểu đoàn trưởng biệt động quân 79 đóng ở Thượng Đức là thiếu tá Hà Văn Lầu mới 35 tuổi, dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng mới 30 tuổi. Khi ta đánh Thượng Đức, Hùng được thăng trung tá. Đại úy, Quận phó Vũ Trung Tín được Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa tuyên dương công trạng với một ngôi sao anh dũng bội tinh về lòng dũng cảm chống Cộng.
Với một thế trận vững chắc và hiểm hóc, Tổng thống Nguỵ Nguyễn Văn Thiệu tặng cho Thượng Đức danh hiệu “Mắt ngọc của đầu rồng”; Tỉnh trưởng Quảng Nam thì mệnh danh đó là “cánh cửa thép” của Đà Nẵng. Trong 2 năm 1969, 1970 ta đã 2 lần tiến công Thượng Đức nhưng không kết quả. Địch càng ra sức củng cố trận địa, dự trữ lương thực, đạn dược dài ngày. Chúng còn kiêu ngạo thách thức rằng: Nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới chiếm được Thượng Đức. Cụm cứ điểm này đối với địch đã trở thành niềm tự hào, chỗ dựa đáng tin cậy của Quân khu 1 Nguỵ, của căn cứ quân sự liên hợp miền Trung bất khả xâm phạm.
Giải phóng và làm chủ khu quận lỵ Thượng Đức ngày càng trở nên bức thiết, có tính chiến dịch và chiến lược. Tiêu diệt lực lượng địch ở đây là xóa bỏ một mắt xích phòng ngự vững chắc, phá toang “cánh cửa thép”, uy hiếp trực tiếp phía Tây Nam Đà Nẵng, giải phóng hơn một vạn dân và một vùng địa bàn rộng lớn. Tại đây, hỏa lực tầm xa của ta có thể uy hiếp sân bay Đà Nẵng và Sở chỉ huy Quân khu 1 Ngụy, tạo một mũi tấn công mạnh và hiểm vào Đà Nẵng khi có thời cơ chiến lược.

Phá “cánh cửa thép”, mở ra thời cơ chiến lược

Trung tướng Nguyễn Ân nhớ lại: Ngay từ đầu năm 1974, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng đã đi thị sát chiến trường miền Nam. Vào thăm Sư đoàn 304, đồng chí đã phân tích tình hình và thông báo sơ bộ nhiệm vụ của Sư đoàn. Theo đó, trong thời gian tới sẽ cùng Quân khu 5, giải phóng một số quận lỵ, để thăm dò phản ứng của Mỹ-Ngụy. Đầu tháng 6, Sư đoàn 304 được tăng cường Trung đoàn 3. Sư đoàn 324 chính thức nhận nhiệm vụ: Phối hợp với quân dân Quảng Đà tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức, giải phóng nhân dân, làm chủ vùng giải phóng. Ngày 6-6-1974 Sở chỉ huy Sư đoàn vào đến bờ Tây sông Bung. Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn: “Chiến dịch Thượng Đức phải thắng cả quân sự và chính trị”
Chuẩn bị cho chiến dịch, bộ đội ta với sự giúp sức của Ban giao vận Quảng Đà đã bí mật mở các con đường đưa vũ khí và lương thực ép sát Thượng Đức. Một số khẩu pháo nặng được đưa xuống thuyền, bè mảng xuôi về cứ điểm. Đêm trước ngày nổ súng, bộ đội và dân công đẩy kéo pháo 85 mm vượt qua bãi lầy và hai dốc lên điểm cao 118 để ngắm bắn trực tiếp vào Thượng Đức.
5 giờ ngày 28-7-1974, pháo binh ta bắt đầu bắn dồn dập vào cụm cứ điểm Thượng Đức. Các lực lượng của Sư đoàn 304; Trung đoàn 3, Sư đoàn 324; Tiểu đoàn 10 địa phương Quảng Đà áp sát mục tiêu, thực hành đột phá. Đến ngày 31-7, Trung đoàn 66 tiếp tục tăng cường lực lượng vào mở cửa nhưng địch chống trả rất dữ dội. Ta bị thương vong nhiều mà hàng rào vào quận lỵ vẫn chưa mở hết được. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 66 bồi hồi: “Khi mở cửa, đơn vị bị tổn thất khá nặng nề. Một số thương binh nằm ngay trước cửa mở, có anh em hy sinh, người nằm vắt trên hàng rào của địch. Càng đau xót, càng căm thù địch sâu sắc, quyết tâm chiếm bằng được mục tiêu, trả thù cho đồng đội”. Trung tướng Phạm Xuân Thệ khi đó được điều xuống, tăng cường cho đơn vị, trực tiếp làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, đảm nhiệm hướng thứ yếu của Trung đoàn 66. Ông kể: “Ban đầu trên chỉ cho Tiểu đoàn 9 dùng hỏa lực thu hút địch để Tiểu đoàn 7 và 8 phát triển tiến công nhưng tôi không nghe, đề nghị được đánh. Các anh chỉ huy Trung đoàn nói, lực lượng của Tiểu đoàn 9 ít, đánh sao được. Tôi “đòi” được Đại đội 10 về, để đủ 3 đại đội và hứa với cấp trên: Không hoàn thành nhiệm vụ trên hướng được giao thì không về”.
Do đánh liên tục, lại bị địch phản kích ác liệt, thương vong nhiều nên bộ đội đều rất mệt, lại rất ức vì chưa dứt điểm được Thượng Đức. Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định đưa pháo chống tăng loại 76,2 mm và cao xạ 37 mm lên đồi cao, bắn thẳng vào lỗ châu mai địch. Để làm được việc này, huyện Đại Lộc đã huy động 300 dân cùng bộ đội đưa pháo lên điểm cao 500 mét. Dân còn có sáng kiến khai thác cây mây song to như ngón chân cái ở rừng núi Lộc Vĩnh, về làm dây chằng, làm kít, ròng rọc, đốn cây làm đòn khiêng. Đến nửa đêm 5-8-1974, các khẩu pháo đã nằm vào đúng vị trí như kế hoạch sẵn sàng đợi lệnh để dội đạn vào đầu thù. 5 giờ sáng ngày 7-8-1974, các trận địa pháo từ xa của ta bắn vào Tiểu đoàn biệt động quân 79. Khi địch đã lui vào cố thủ trong hầm ngầm, lô cốt, pháo trên đồi hạ tầm và được lệnh bắn thẳng vào các lỗ châu mai của địch. Ngay từ loạt đạn đầu, tên Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng đã bị trúng đạn, thương nặng, sau đó tự sát. Binh lính địch trở nên hỗn loạn, nhiều tên nhào ra sông hòng chạy trốn nhưng lại rơi vào trận địa của Tiểu đoàn 10 Quảng Đà và quân dân Đại Lộc đã đón lõng trước đó. Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng 79 biệt động quân Hà Văn Lầu và quận phó Vũ Trung Tín bị bắt sống. 8 giờ 30 phút ngày 7-8-1974, cờ giải phóng tung bay trên căn cứ “cánh cửa thép” của Mỹ Ngụy, báo hiệu Thượng Đức đã hoàn toàn giải phóng.
Nhận tin Thượng Đức thất thủ, Tống thống Ngụy Nguyễn Văn Thiệu đã bay ra thị sát vì biết Đà Nẵng bị uy hiếp nghiêm trọng. Hắn lệnh cho tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh sư đoàn dù ra Đà Nẵng “tái chiếm Thượng Đức”. Đây là thời cơ lớn để ta tiêu diệt, giam giữ, đánh quỵ át chủ bài, xương sống của quân Ngụy Sài Gòn, tạo điều kiện cho các chiến trường tấn công.
Chiến thắng Thượng Đức đã mở ra thời cơ lớn, là cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược. Có một câu chuyện mà đến nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là vào thời điểm, khi quân ta vừa làm chủ Thượng Đức và đang giáp chiến với Sư dù của Ngụy thì đồng chí Nguyễn Chánh nhận lệnh của Khu ủy Khu 5 ra Hà Nội báo cáo tình hình, xin ý kiến Trung ương. Ông đã được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn mời cơm và hỏi chuyện. Đang ngồi nghe đồng chí Nguyễn Chánh báo cáo chủ lực địch đưa quân tổng dự bị chiến lược ra phản kích và đang bị ta cầm chân, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn bỗng đứng dậy, hồ hởi nói: Nè, tôi nói cho các anh biết. Khu 9 đánh giỏi. Các anh đang đánh rất giỏi. Những trận đánh thắng vừa qua ở miền Nam trả lời cho suy nghĩ của tôi ba tháng nay: Giải phóng miền Nam.

Trích trên báo QDND - tác giả Trần Hoàng Tiến
Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.