ngoccmc
  • Bài viết: 153
  • Gia nhập: 26-12-2019
Camera của Galaxy S20 series: Siêu rộng & siêu zoom đến 100x dùng để làm gì?

UserPostedImage

Nghĩ gì về nhu cầu chụp ảnh với ống kính góc siêu rộng và siêu zoom trong thực tế nhân dịp Samsung vừa giới thiệu bộ ba S20 series ấn tượng với góc siêu rộng và zoom số 30x - 100x?
Dưới đây là cấu hình cụm Camera của bộ ba Galaxy S20 cơ bản. Chúng ta dễ dàng thấy con số khủng đối với một chiếc điện thoại. Theo giải thích của Samsung trong buổi giới thiệu thì:
Về độ phân giải cao của camera tele: Galaxy S20 và S20+ là như nhau, đều có một camera góc siêu rộng 12MP camera tele 64MP. Độ phân giải cao của camera tele là sự kết hợp của cảm biến với thuật toán chồng ảnh (image stacking).
S20 và S20+ có khả năng zoom gấp 3x bằng quang học cho đến 30x bằng kỹ thuật số.
Điều quan trọng nhất là Samsung sử dụng cảm biến ảnh cho Camera của S20 lớn hơn đáng kể so với trước đây. Cụ thể là kích thước mỗi Pixel là 1.8 micron trên camera chính so với 1.4 micron trên phiên bản Galaxy S10 trước đây. Nâng cấp phần cứng vật lý luôn tạo hiệu quả tốt song song với nâng cấp thuật toán phần mềm. Kích thước mỗi Pixel lớn hơn sẽ giúp S20 thu nhận ánh sáng nhiều hơn và tốt hơn, hình ảnh nhiều thông tin và sắc nét hơn, nhất là trong tình huống ánh sáng yếu.
Riêng phiên bản S20 Ultra, độ phân giải của camera góc rộng lên đến 108 MP vẫn với độ mở lớn F1.8. Khả năng zoom quang lên đến 10x và kỹ thuật số là 100x.

Đó là những con số cấu hình. Rất kích thích những ai thích chụp hình và yêu công nghệ. Khoan hãy phân tích về độ phân giải cao và các tính năng, dành cho bài sau. Câu hỏi là, trong thực tế, nhu cầu của chúng ta khi sử dụng một ống kính góc siêu rộng và siêu zoom là gì? Là nói đến nhu cầu chụp gần, chụp xa, và đặc biệt là sử dụng "hiệu ứng thị giác" do góc rộng và hẹp (tele) tạo ra. Hiểu rõ thiết bị để khai thác tốt thì rất tuyệt vời!

Góc trung bình
Nói về góc nhìn rộng hẹp, lại nhắc về góc trung bình (normal). Góc nhìn trung bình trong nhiếp ảnh là nói đến góc nhìn của tiêu cự ống kính 45 - 55mm. Là tiêu cự tương đương đường chéo khung phim hoặc cảm biến của máy ảnh dùng ống kính này. Chẳng hạn máy ảnh phim 35mm, kích thước khung phim là 24mm x 36mm có đường chéo là 43mm thì tiêu cự trung bình là từ 45mm - 55mm. Nhiều người bảo ống có tiêu cự tầm trung này tương đương góc nhìn của mắt người, phù hợp với nhiều tình huống chụp. Mình thích cách phân biệt trên hơn. Và, góc nhìn của tiêu cự trung bình thì có hiệu ứng thị giác như sau:
Góc thu hình khoảng 45°, xấp xỉ góc nhìn phối cảnh như mắt người.
Chủ đề giữ đúng tỷ lệ, không bị biến dạng, gần như chúng ta nhìn trong thực tế.
Đa dụng trong nhiều hoàn cảnh chụp, và chụp mọi thứ.

Góc siêu rộng
Góc rộng của điện thoại thì thường có góc nhìn rộng hơn 45° với tiêu cự từ 24-28mm tuỳ loại, còn siêu rộng thì thường lớn hơn 100°, như chiếc Note10 là khoảng 120°. Chưa có con số góc nhìn cụ thể của S20, nhưng siêu rộng sẽ cũng từ 120° trở lên. Vậy, với góc siêu rộng, thì sẽ dùng chụp gì và hiệu ứng thị giác nó thế nào?

Góc siêu rộng thường sử dụng chụp (phong cảnh rộng), ảnh đại cảnh sự kiện, kiến trúc, thành phố ... và đắc dụng khi ghi hình ở hoàn cảnh bị hạn chế vị trí đứng, góc chụp chật mà không có đường lui.
Đặc biệt, về hiệu ứng thị giác do góc rộng tạo ra, người dùng muốn có hiệu ứng góc rộng là "gần-to-xa-nhỏ", là chủ thể ở gần thì to phình ra và càng ở xa thì càng nhỏ dần, tạo nên sự độc đáo.
Với loại ống góc rộng, chỉ cần thay đổi nhỏ trong góc chụp (vị trí đặt máy) có thể làm một khung ảnh bình thường trở nên độc đáo và ngược lại. Người chụp phải tiếp cận gần chủ thể, càng gần thì hiệu ứng càng hiệu quả.

Đặc tính của góc rộng:
Góc thu hình từ 60° - 180°
Vùng ảnh rõ (dof) rất sâu
Tăng sự nổi bật của chủ đề ở gần trong phối cảnh rộng, góc càng rộng thì hiệu ứng này càng tăng. Tỷ lệ gần-xa rất mạnh tạo tương quan tiền cảnh hậu cảnh độc đáo nếu dùng đúng cách.
Đường chéo là phần mạnh nhất trong tầm nhìn góc rộng, kéo hướng nhìn về hộ tụ rất xa. chẳng hạn con hẻm cụt có thể như một ngõ sâu hun hút.
Hạn chế các chủ đề hình dạng tròn, mặt người ở gần góc và cạnh khung dễ bị biến dạng.
Tấm này chụp bằng góc siêu rộng (tương đương 16mm trên FF). Ở nhà thờ Mằng Lăng - Phú Yên (Quy Nhơn) - bên trái có cái lư hương. Thấy anh em tham quan chụp rất nhiều ảnh ở đây. Mình dùng hiệu ứng thị giác do góc rộng tạo ra, cái quai lư hương ở gần nên phình to ra chiếm gần hết khung ảnh, và nhà thờ ở xa thì bé nhỏ lại. Nhìn nhà thờ qua khung quai lư hương với hiệu ứng xa-gần của góc rộng.
UserPostedImage


Góc siêu hẹp

Zoom số 30x của S20 | S20+ và 100x của S20 Ultra là rất nhiều so với máy ảnh của điện thoại. Chúng ta sẽ có một góc nhìn cảnh vật chụp rất hẹp, đồng nghĩa với việc khuếch đại rất lớn các thành phần nhỏ ở xa của cảnh vật trong khung ảnh. Vì vậy, siêu tele hữu dụng khi cần lấy chi tiết một chủ đề mà ta ở quá xa không thể di chuyển tiếp cận. Ống có tiêu cự càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn.

Chụp một đối tượng / chủ thể nào đó ở quá xa, siêu tele sẽ hữu dụng. Thậm chí, có thể dùng ống kính siêu tele để phục vụ như công dụng của cái ống nhòm, xem ở đàng kia có cái gì 😁 Cùng cảnh vật rộng và tele:

Và, đặc biệt, "hiệu ứng thị giác" của zoom-telephoto là làm cho khoảng ảnh rõ càng mỏng, hay gọi là Dof mỏng lại. Phối cảnh chụp bởi ống kính tele có hiệu ứng "mỏng/ dẹt", các mặt phẳng trong khung sát lại với nhau, có thể tạo bố cục độc đáo nhưng cũng tạo đối tượng ở xa to hơn bình thường như mặt trăng/ mặt trời. Chúng ta hay tận dụng hiệu ứng này để xoá phông nền, tức là làm cho nền ảnh phình rất to đến mờ nhoè là vậy, nhưng chú ý hiệu ứng đi kèm là tiêu cự càng hẹp thì các layer ảnh càng sít lại với nhau.

Đặc tính của góc télé:
Độ khuếch đại chủ thể lớn.
Vùng ảnh rõ mỏng, tách chủ đề với hậu cảnh (xoá phông)
Tiêu cự càng lớn, phối cảnh bị dồn ép lại, chiều sâu ảnh giảm, ít có chiều sâu (ngược lại với hiệu ứng góc rộng)
Dễ bị rung lắc làm mờ nhoè, tỷ lệ thuận với số zoom, cần cầm chắc máy hoặc gắn lên chân cố định máy.
Đây là tấm ảnh mình chụp ở cầu Konklor Kontum. Nó là cây cầu treo nghe nói là đầu tiên ở Tây Nguyên. Các nhịp dây rất xa nhau. Nhưng khi mình dùng tele tương đương tiêu cự khoảng 300mm thì các nhịp dây sít lại rất hẹp, và hậu cảnh xa nhất là dãy núi, trung cảnh là bên kia cầu và giữa cầu là xe đạp bị phình ra tạo thị giác gần với tiền cảnh.
UserPostedImage


Như vậy, với ống kính siêu rộng và siêu zoom của Galaxy S20 series, người dùng có thêm những chọn lựa để chụp hình toàn diện hơn. Khai thác đúng thời điểm, đúng cảnh vật... hiểu rõ hiệu ứng do chúng tạo ra, sẽ có được những bức ảnh tốt và hiệu quả. Chỉ còn chất lượng hình ảnh như thế nào, chúng ta phải chờ trải nghiệm thực tế khi có máy.
Ai đang xem chủ đề này?
  •  Guest
Di chuyển  
  • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.