tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Người được “đặc biệt tin cậy”

Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ, cậu bé Đào Phúc Lộc đã được đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Khu ủy B (gồm Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên) giác ngộ nên đã sớm tham gia cách mạng, trực tiếp làm giao liên và bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Năm 16 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1939), 22 tuổi (năm 1945), ông đã tổ chức và trực tiếp dẫn đường, đưa đoàn đại biểu Tổng bộ Việt Minh gồm các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Dương Quốc Chính... từ Hải Phòng sang Trung Quốc gặp tướng Trung Hoa Quốc dân Đảng an toàn.
Vụ án 30 người trong Đội vũ trang tuyên truyền Việt Minh bị giam giữ bởi bọn phản động Việt Cách tại khu rừng Ba Chẽ, Đào Phúc Lộc đã mưu trí giải cứu thành công mà không cần phải nổ súng.
Năm 1948, Hoàng Minh Đạo được cử vào Nam với nhiệm vụ đặc phái viên của Bộ Tổng Tham mưu đi kiểm tra tình hình, công tác phản gián, tình báo, quân báo từ khu IV đến Nam Bộ. Đây cũng là thời gian mà ông được làm việc, gắn bó với nhiều đồng chí sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như các ông: Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Lê Đức Thọ, Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Trung tướng Nguyễn Bình, Đại tướng Mai Chí Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà, Mười Hương, Phan Văn Đáng, Cao Đăng Chiếm... Đặc biệt, Hoàng Minh Đạo (bí danh Năm Thu) đã từng bố trí và bảo vệ đồng chí Lê Duẩn (khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ) sống và làm việc tại số nhà 29 đường Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn, để bắt đầu viết bản dự thảo “Đề cương cách mạng miền Nam”. Bởi thế mà dù hai lần bị địch bắt (lần đầu năm 1940, tại Quảng Ninh, lần hai năm 1957, tại Sài Gòn), Hoàng Minh Đạo đã tìm cách vượt ngục an toàn, ra tù vẫn được cấp trên tín nhiệm và bản thân ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

“Thầy Rùa mắt thao”

Ngày 25-10-1945, Phòng Tình báo, Bộ Tổng Tham mưu được thành lập, đánh dấu ngày ra đời của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam. Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mọi người đều ngỡ ngàng trước công việc còn mới mẻ này. Lúc đó, Hoàng Minh Đạo được “chọn mặt gửi vàng”, giữ chức trưởng phòng. Trên cương vị mới, đồng chí Hoàng Minh Đạo phải giải quyết vấn đề tìm hiểu âm mưu của các đảng phái phản động, như: Việt Quốc, Việt Cách và cả đội quân Tàu Tưởng, Pháp, Anh. Ngoài ra, Hoàng Minh Đạo cùng một lúc xây dựng mạng lưới, điều tra, tìm hiểu tất cả các lĩnh vực về quân sự, ngoại giao, chính trị, kinh tế, xã hội của ngoại quốc và bọn phản động ở trong nước, thậm chí cả tình hình bọn Tưởng, thân Tưởng, Việt Quốc, Việt Cách, Pháp, Pháp kiều và quân Nhật… nhằm giúp Đảng ta tìm ra cách đối phó kịp thời và hữu hiệu nhất.
Sau Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Hoàng Minh Đạo đi sâu vào việc xác định mục tiêu điều tra của Phòng Tình báo, tìm hiểu âm mưu của thực dân Pháp và bọn tay sai, nghiên cứu mâu thuẫn và sự thỏa hiệp giữa Pháp-Tưởng, thái độ của Tưởng trong việc thi hành Hiệp ước Hoa-Pháp và kế hoạch rút quân của chúng. Tình hình rất khẩn trương và đầy hiểm nguy, đòi hỏi ngành tình báo phải xây dựng lực lượng, hoạt động tích cực, nhạy bén, tránh tổn thất cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 19-12-1946, trong đêm Toàn quốc kháng chiến, chính Hoàng Minh Đạo đã đóng giả làm sĩ quan của địch, xâm nhập vào sân bay Gia Lâm, phối hợp với đồng đội phá hủy hai máy bay của Pháp. Sự kiện này đã gây tiếng vang trong toàn quốc, chấn động tận thủ đô Paris, làm cho nước Pháp choáng váng.
Năm 1948, ông Hoàng Minh Đạo được Bộ Tổng chỉ huy cử vào miền Nam. Tình hình chiến sự ở Nam Bộ bấy giờ rất phức tạp, Hoàng Minh Đạo được phân công làm Trưởng ban Quân báo Bộ tư lệnh Nam Bộ, rồi Trưởng ban Quân báo Phòng Tham mưu Bộ tư lệnh Phân khu miền Đông Nam Bộ.
Ông chủ động mở thêm nhiều khóa đào tạo để tăng cường cán bộ nguồn cho ngành tình báo/quân báo, đáp ứng kịp tình hình mới từ các tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Bình Thuận... đồng thời hướng dẫn vận động toàn dân làm trinh sát giúp bộ đội tìm hiểu tình hình phía địch. Các bài giảng của ông mang tính thực tiễn, đi sâu nghiên cứu, phân tích tổ chức mạng lưới ta, địch; thành lập đường dây liên lạc và đặc biệt là nghiệp vụ an toàn, tuyệt mật của ngành.
Tại miền Nam, tháng 7-1954, Hoàng Minh Đạo tiếp tục được giao nhiệm vụ làm việc trong phái đoàn liên lạc quân sự bốn bên giám sát thi hành Hiệp định Geneva tại Nam Bộ, sau đó được đồng chí Lê Duẩn giao nhiệm vụ ở lại Nam Bộ hoạt động bí mật, ngay trong nội thành Sài Gòn-Gia Định với chức vụ Phó ban Binh vận của Xứ ủy. Nhiệm vụ của đồng chí là xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng, cụ thể là nghiên cứu, tổ chức cài cắm người, thâm nhập vào hàng ngũ của địch, xem xét, nắm bắt các động thái về âm mưu xâm lược, chia cắt lâu dài đất nước ta của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Trong những năm 1955-1956, nhận thấy tình hình bất đồng giữa các giáo phái ly khai (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên...) chống chính quyền Ngô Đình Diệm với lực lượng vũ trang (quân ngụy) ngày càng gia tăng, đồng chí Hoàng Minh Đạo được Trung ương Cục trực tiếp phân công, tiếp xúc, chỉ đạo việc khoét sâu, tạo mâu thuẫn ngay trong lòng địch nhằm làm hoang mang, tan rã lực lượng của chúng, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng-dựng cờ giáo phái ly khai để “kéo” cả trung đoàn ngụy với đầy đủ vũ khí về phía ta.
Lực lượng Bình Xuyên chiếm Rừng Sác làm căn cứ hoạt động. Năm 1955, Hoàng Minh Đạo (bí danh Năm Đời) đã cùng với đồng chí Bảy Khánh (Phó bí thư Liên tỉnh ủy miền Đông) mạo hiểm vào tận sào huyệt của Bảy Viễn tại Rừng Sác nhằm thuyết phục và giải thoát cho Bảy Viễn-Bình Xuyên với một tinh thần dũng cảm, trí tuệ, sâu sắc và chân thành.
Năm 1960, ông chuẩn bị cho phong trào Đồng khởi, đồng thời tham gia xây dựng căn cứ địa cho Xứ ủy, chuẩn bị trận đánh Tua Hai, kết hợp binh vận với vũ trang để tiêu diệt một trung đoàn địch.
Trong những năm 1963-1968, ông giữ chức Ủy viên Thường vụ Khu Sài Gòn-Gia Định, Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu 5. Đây cũng là lúc miền Nam có nhiều quân Mỹ và chư hầu tham chiến nên tình hình vô cùng căng thẳng, nhưng với biệt tài “Thầy rùa mắt thao”-nghĩa là cái gì cũng biết, cái gì cũng rành, ngó đâu là biết liền thật hay giả, Hoàng Minh Đạo đều thoát chết ngoạn mục.
Vừa chỉ đạo các cơ sở, mạng lưới dẫn đường, giao liên, thông tin và hậu cần, đồng chí Hoàng Minh Đạo còn mạo hiểm cùng đồng chí Nguyễn Văn Mạnh đi xe Honda 67 chạy công khai qua nhiều bốt gác của địch suốt từ Thủ Đức đến Thịnh Giao sông Bé để gặp Sư đoàn 9 của ta nhằm kịp giờ đưa quân về tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (theo“Thầy rùa mắt thao”-hồi ký của Đại tá Nguyễn Văn Mạnh, trang 402; Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ, NXB Công an nhân dân, H.2008).

Người tình báo sống mãi

Năm 1968-1969, hai năm ác liệt nhất, đế quốc Mỹ điên cuồng cho máy bay, tàu chiến và nhiều đơn vị chủ lực ra sức lùng sục, chà đi xát lại tất cả các vùng ngoại vi Sài Gòn, kể cả những khu rừng hoang, kênh rạch, nhằm đẩy ta ra xa các khu căn cứ.
Vào cuối năm 1969, với cương vị Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu 1 (cửa ngõ quan trọng nhất đánh vào Sài Gòn và là phân khu ác liệt), Năm Thu nhận lệnh ra Trung ương Cục để báo cáo tình hình. Lộ trình phải qua Vàm Cỏ Đông. Mặc dù chuyến đi được tuyệt đối giữ bí mật và tính toán kỹ càng, lợi dụng di chuyển vào đêm Noel nhằm lúc địch chủ quan, nhưng điều không may đã xảy ra. Trên sông bất ngờ hiện ra 3 chiếc tàu thám báo Mỹ không nổ máy, thả trôi. Ông chưa kịp ra lệnh cho anh em chiến đấu thì những ngọn đèn pha từ trên giang thuyền bật sáng, soi rõ chiếc xuồng. Anh em theo phản xạ tự nhiên lên đạn súng thì một trận mưa đạn bay tràn tới. Tất cả hỏa lực trên cả 3 chiếc tàu Mỹ cùng một lúc chụm vào nã đạn về phía xuồng của ông, đỏ rực cả mặt sông Vàm Cỏ Đông. Mấy phút sau, máy bay trực thăng ập đến, chúng quần khắp mặt sông, tiếp theo, chúng cho pháo dập khắp vùng xung quanh. Xuồng của Hoàng Minh Đạo như chiếc lá rơi vào biển lửa (theo Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ, NXB Công an nhân dân, H.2008).
Cũng theo tài liệu lưu trữ của Trung tâm Vietnam Archive (Đại học Công nghệ Texas, Mỹ-Texas Tech University) sau này ta được biết, tuy đoàn cán bộ của ta bị địch phục kích, trận đụng độ giữa ta và Mỹ xảy ra rất ác liệt nhưng hải quân Mỹ trên tàu chiến cũng bị ta bắn trả thương vong khá lớn, cuối cùng chúng phải sử dụng đến trực thăng tiếp viện và rocket bắn xuống mới đánh chìm được xuồng. Tất cả cán bộ trên xuồng đều chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng trên sông Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh), trong đó có người chỉ huy Hoàng Minh Đạo.
Ông ra đi ở tuổi 46-độ tuổi chín nhất về nghề. Hoàng Minh Đạo để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng đội. Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Hoàng Minh Đạo-một trong những cán bộ đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam cùng 17 cộng sự đã anh dũng hy sinh trên sông Vàm Cỏ Đông năm đó. Tên tuổi, sự nghiệp mà ông lựa chọn sẽ mãi là tấm gương sáng cho con cháu mai sau học tập.

NGUYỄN KIM THÀNH
Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.