(Phản công, từ ngày 7 tháng 10 đến ngày 20 tháng 12 năm 1947)
Việt Bắc là một liên khu nằm ở phía bắc của Bắc Bộ, bao gồm 17 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Yên, Hải Ninh, Tuyên Quang) và châu Mai Đà. Địa hình chủ yếu là rừng núi, một phần trung du. Rừng núi Việt Bắc trùng điệp, địa hình hiểm trở. Đường bộ và đường thuỷ ít và độc đạo. Phía đông bắc có đường số 4 chạy dọc theo biên giới Việt - Trung từ Móng Cái đến Cao Bằng. Đường số 3 từ Hà Nội chạy lên giữa lòng Chiến khu Việt Bắc, đi Thái Nguyên, lên Bắc Cạn và tới Cao Bằng. Đường số 2 từ Hà Nội lên Việt Trì, Phú Thọ, tới Tuyên Quang, Hà Giang. Đường thuỷ dọc sông Hồng lên ngã ba Việt Trì, rẽ theo sông Lô lên Tuyên Quang, rẽ theo sông Gâm tới Chiêm Hoá. Khí hậu Việt Bắc khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá, mùa hè nắng nóng mưa nhiều, khi mưa hàng trăm con suối và sông nước lũ cuồn cuộn, cản trở cho việc chuyển quân của cả hai bên. Dân cư Việt Bắc gồm nhiều dân tộc ít người, sống thưa thớt, canh tác tự cung tự cấp, nghèo, nhưng vốn có truyền thống yêu nước, được giác ngộ một lòng đi theo cách mạng, ủng hộ kháng chiến.
Do Việt Bắc có địa thế hiểm trở, hạn chế được địch cả về cơ động và tầm quan sát, cả khả năng triển khai lực lượng lớn và phương tiện chiến đấu hiện đại khi tiến công tiến hành tác chiến lớn phải theo mùa... nên ngay từ tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở lại Tân Trào một thời gian trực tiếp chỉ đạo củng cố khu căn cứ của Trung ương. Đến cuối tháng 10 năm 1946 (trước ngày toàn quốc kháng chiến), thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ Hà Nội trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Các huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), Chiêm Hoá, Sơn Dương (Tuyên Quang), Định Hoá, Đại Từ (Thái Nguyên), được chọn làm An toàn khu (ATK). Bắt đầu từ tháng 11 năm 1946, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính Phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để lãnh đạo, tổ chức kháng chiến lâu dài. Các binh công xưởng, xí nghiệp, nhà máy, gần 63 nghìn đồng bào miền xuôi và hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu được vận chuyển, sơ tán lên Việt Bắc để quân và dân ta vừa sản xuất vừa tiếp tục chiến đấu.
Về phía địch, đầu năm 1947, sau khi “Giải pháp chính trị” lập chính phủ bù nhìn bế tắc, thực dân Pháp đã quyết định dùng “đòn quân sự” để giải quyết chiến tranh Việt Nam và Đông Dương.
Nhận rõ vị trí chiến lược của Việt Bắc, tướng Va-luy (Valluy) - Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương đã giao cho tướng Xa-lăng (Salan) - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương ráo riết chuẩn bị “Kế hoạch tiến công Việt Bắc”. Tháng 6 năm 1947, Va-luy bay về Pháp để thông qua “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” trước nội các Ra-ma-đi-ê (Ramadier) và xin tăng viện (đầu tháng 7, Chính phủ Pháp đã thông qua kế hoạch này). Ngay sau đó, 14 tiểu đoàn Âu-Phi trong lực lượng tăng viện đã đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam. Một số đơn vị quân Pháp ở Nam Bộ cũng được điều gấp ra Bắc Bộ.
Lực lượng tham gia tiến công trên 10 nghìn quân, gồm: năm trung đoàn bộ binh1, ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn công binh, ba đại đội cơ giới2, hai phi đội với 40 máy bay, ba thuỷ đội xung kích với 40 tàu, xuồng.
Kế hoạch tiến công, địch dự kiến chia thành hai bước:
Bước 1: Mang mật danh Lê-a (Léa)3. Mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Cụ thể, ngày 7 tháng 10 năm 1947 quân dù sẽ đồng loạt đổ bộ đánh đòn vu hồi, tập hậu hiểm hóc vào hậu phương của ta một cách bất ngờ, sẽ chiếm Bắc Cạn, Chợ Mới. Ngày 8, nhảy dù tiếp, chiếm Chợ Đồn và càn quét vùng xung quanh. Ngày 9, hai cánh quân dù này gặp nhau ở bản Pei (cách thị xã Bắc Cạn 20 km về phía bắc) hòng “bắt gọn chính phủ kháng chiến”.
Cùng lúc này hình thành hai mũi như hai gọng kìm bao vây toàn bộ khu căn cứ địa Việt Bắc bao gồm năm tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Hai mũi sẽ tiến công từ hai hướng:
Hướng đông (dài 420km), lực lượng “binh đoàn B” gồm cơ giới và bộ binh sẽ thọc một mũi nhọn theo quốc lộ số 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng; vừa hành quân càn quét vừa triển khai chiếm đóng cứ điểm dọc trục lộ, thực hiện phong toả vùng biên giới này. Sau đó, từ Cao Bằng, một bộ phận sẽ tiến xuống Bắc Cạn phối hợp và hỗ trợ binh đoàn dù, hình thành gọng kìm thứ nhất kẹp chặt toàn bộ mặt phía đông của Việt Bắc.
Hướng tây, lực lượng “binh đoàn C” gồm quân thuỷ và bộ từ Hà Nội lên Việt Trì, phát triển lên Tuyên Quang, Chiêm Hoá theo sông Hồng, sông Lô, sông Gâm và quốc lộ số 2, hình thành gọng kìm thứ hai (dài 250 km).
Bộ chỉ huy Pháp dự kiến: Ngày 11 tháng 10 hoàn thành việc phòng thủ Chợ Mới, sau đó sẽ tiến hành càn quét và tuần tiễu trên đường số 3 và đường Chợ Mới - phố Bình Gia. Ngày 12, cánh đông sẽ tiến xuống Bắc Cạn. Ngày 13 tháng 10, hai gọng kìm sẽ hội quân ở Đài Thị (đông bắc Chiêm Hoá 12 km).
Bước 2: Mang mật danh “Xanh-tuya” (Ceinture)4, tức “siết chặt vành đai”. Quân địch sẽ tập trung càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm. Ngày 14 tháng 10, dùng nhiều hướng, mũi: quân bộ từ Bắc Cạn xuống, từ Chợ Mới đánh sang, phối hợp với quân dù nhảy thẳng xuống Chợ Chu. Một đơn vị dù khác đổ bộ xuống phía nam huyện lỵ Định Hoá nhằm khóa, chặn đường giao thông huyết mạch của kháng chiến Chợ Chu - Thái Nguyên, đây là vùng thủ đô kháng chiến của ta.
Như vậy, không gian của cuộc hành quân trải rộng trên địa bàn tám tỉnh, nhưng chúng sẽ tập trung quân càn quét vào khu tứ giác: Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Cạn - Thái Nguyên (khoảng 360 km2), trọng điểm đánh phá, càn quét là tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới5. Cùng với lực lượng tham chiến chính thức kể trên, các tiểu đoàn dù do Phô-xây Phơ-răng-xoa (Fossey François) chỉ huy, tập kết ở sân bay Gia Lâm và Cát Bi, sẵn sàng đổ bộ xuống nơi phát hiện có cơ quan đầu não kháng chiến.
Pháp chủ trương tập trung sức mạnh tối đa, tiến công chớp nhoáng với chiến thuật hợp đồng thuỷ - lục - không quân càn quét mạnh từng khu vực, lấn chiếm dần để dồn kẹp ta lại mà bao vây tiêu diệt, nhằm “4 mục tiêu chiến lược” của cuộc tiến công là: “Diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc, bịt kín, khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ...”6.
Bộ chỉ huy Pháp dự kiến cho cuộc hành quân là ba tháng và xem đây là một kế hoạch hoàn hảo, có khả năng đi đến kết thúc chiến tranh. Tướng Va-luy khẳng định sẽ “chơi ván bài cuối cùng”. Tướng Xa-lăng, tác giả của “kế hoạch tiến công Việt Bắc” thì cam đoan “Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”7.
____________________________________
1.Gồm: Trung đoàn Ma-rốc số 6 (6eRTM), trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma-rốc (RICM), trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4e - RIC), trung đoàn bộ binh Lê dương số 3 (3e REI) và một trung đoàn do Cô-xtơ (Coste) chỉ huy.
2.Ba đại đội này của trung đoàn bộ binh cơ giới Ma-rốc gồm 800 xe các loại.
3.Léa (Lê-a) - Tên một ngọn đồi cao 1.362 mét, trên trục đường số 3 nằm giữa Nguyên Bình và Bắc Cạn.
4.“Kế hoạch tiến công Việt Bắc” do Xa-lăng soạn thảo gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh Lê-a và Clo-clo. Nhưng khi tiến hành cuộc hành binh thứ nhất (bước 1) đã không thực hiện được đúng như kế hoạch, mà vừa chậm vừa bị nhiều tổn thất nên đến “bước 2”, Xa-lăng đã lờ đi, không đả động gì đến mật danh Clo-clo nữa mà phải thay bằng Xanh-tuya - Tức “siết chặt vành đai”, dồn sức vào đánh phá khu tứ giác: Tuyên Quang - Thái Nguyên – Phủ Lạng Thương-Việt Trì.
5.Chợ Chu, Chợ Mới thuộc huyện Định Hoá - Khi quân Pháp nhảy dù xuống đây, cơ quan Trung ương của ta ở cách đó 20 km đường chim bay.
6.“Hồi ký Xa-lăng”. Nxb Presses de la Cité Pari, 1971 - T. 2, tr. 58 và 74.
7.“Hồi ký Xa-lăng” - Sđd.
Sửa bởi người viết
2020-01-13T03:19:31Z
|
Lý do: Chưa rõ