tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Những nghệ sĩ - chiến sĩ trong trại Davis

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1-1973), Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng; biểu diễn đón cán bộ, chiến sĩ ta bị tù đày, được đối phương trao trả tại Lộc Ninh.
Chúng tôi được Đại tá, nhạc sĩ Vũ Thành (TP Hồ Chí Minh) kể cho nghe những kỷ niệm sâu sắc của các nghệ sĩ-chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật lúc bấy giờ…

“Tương kế tựu kế” lọt qua mắt địch

Trung tuần tháng 9-1973, nhận lời mời của Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, phái đoàn Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Paris, gồm các vị trưởng và phó các đoàn đến thăm Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước), thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đoàn Văn công Quân Giải phóng được điều động phục vụ. Trước giờ biểu diễn, Trung tướng, Tư lệnh Trần Văn Trà căn dặn: “Các đồng chí phải ca hay hơn, múa giỏi hơn nữa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về chính trị lớn và phức tạp hơn. Làm thế nào để xứng đáng bộ mặt Quân Giải phóng”. Hiểu kỳ vọng của cấp trên nên dù thời gian chuẩn bị rất gấp gáp, anh chị em nghệ sĩ vẫn đem hết nhiệt tình, mang lời ca tiếng hát phục vụ. Từ ngạc nhiên đến khâm phục, một thành viên trong Ủy ban quốc tế đã thốt lên: “Hay! Rất hay! Tôi nghĩ rằng trong vùng các ông chưa thể có một đoàn ca múa như thế được… Rất tuyệt! Một chuyến đi không thể nào quên”.
Từ thành công này, tại làng 7 Lộc Ninh, đoàn được giao chọn lựa thành lập đội văn nghệ xung kích vào Sài Gòn, biểu diễn phục vụ Ban liên hợp quân sự 4 bên tại trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất. Theo kế hoạch đã định, sẽ có máy bay trực thăng của quân ngụy lên đón. Toàn đội gồm 9 người, do Thượng úy, nhạc sĩ Vũ Thành làm đội trưởng; các ca sĩ, nhạc công, gồm: Minh Sen, Trọng Khanh, Kim Chi; Thanh Lự (hát, ảo thuật), Phạm Hạng (đàn bầu), Trương Nghề (clarinet), Thanh Sơn (violin), Tuyết Mai (accordion). Tuy nhiên đến phút chót, phát hiện ra thứ “vũ khí” cực kỳ lợi hại của Văn công Quân Giải phóng, nên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đổi ý, từ chối chở cánh văn nghệ sĩ.
Hiểu rõ lòng dạ đối phương, nhân việc định kỳ luân phiên thay nhau vào thực hiện nhiệm vụ trong trại Davis, ta liền “tương kế tựu kế” tìm cách “đột nhập”. Đến hẹn, anh chị em ta quân phục chỉnh tề, đội mũ tai bèo, va li xách tay. Điều này thì đối phương không có cách gì để cản trở. Về phía ta, đây là nhiệm vụ bí mật. Vậy nên các nhạc cụ mang theo đều được tháo rời và xếp gọn vào hành lý, riêng cây đàn bầu được cắt đôi, có bản lề để dễ tháo lắp khi di chuyển. Đầu tháng 12-1973, dưới danh nghĩa “các sĩ quan liên lạc”, toàn đội đàng hoàng lên trực thăng di chuyển về Tân Sơn Nhất. Tại đây, sau khi có thêm 3 ca sĩ từ miền Bắc vào, gồm: Mộng Tước (Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị), Quang Đỗ và Ngọc Toàn (văn công Hải quân), Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quyết định thành lập Đội Văn nghệ trại Davis.

Vốn là nơi đồn trú dã chiến của lính Mỹ, trại mang tên James Thomas Davis. Các ngôi nhà trong trại làm bằng gỗ thông, được đưa từ Mỹ sang và cưa xẻ cùng một quy cách; mái lợp fibro xi măng, nội thất toàn đồ bằng sắt, rất nóng nực. Nằm sâu trong căn cứ sân bay Tân Sơn Nhất, xung quanh trại có nhiều lớp hàng rào kẽm gai bao bọc, vọng gác nhiều tầng do quân ngụy canh giữ ngày đêm.
Với mưu đồ thâm hiểm “giam lỏng” Việt Cộng, đối phương muốn cô lập, ngăn cản mọi cuộc tiếp xúc của hai đoàn ta với người dân. Bởi vậy, tất cả lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt, ta đều phải mua thông qua “nhà thầu” mà hầu hết đều là đám an ninh, tình báo cải dạng.

Dấu ấn nghệ sĩ - chiến sĩ trong trại Davis

Ngay khi vừa đặt chân đến Tân Sơn Nhất, trong phạm vi cho phép, tôi (Vũ Thành) cắt cử người tìm mua thêm một số vật tư, như: Vải màu, giấy trang kim, dăm kèn, dây đàn... để dự trữ. Việc này không qua được ánh mắt dò xét của các “nhà thầu”, nhưng đối phương không hay biết là “văn công VC” đã lọt vào hang ổ của chúng. Ổn định tổ chức xong, toàn đội bắt tay xây dựng chương trình biểu diễn. Anh chị em chia nhau đến gặp riêng các phái đoàn Iran, Ba Lan, Hungary… để xin một số bản nhạc và dân ca của họ đưa vào tập luyện. Tất nhiên, các đoàn này đều nhiệt tình ủng hộ và cung cấp.
Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đội văn nghệ xung kích tổ chức buổi biểu diễn ra mắt trong trại Davis. Đến dự có 4 đoàn quốc tế, gồm: Ba Lan, Hungary, Indonesia, Iran. “Tháp tùng” các đoàn này có sĩ quan liên lạc của Mỹ, ngụy.
Chương trình mở đầu với bài “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, nhạc Lưu Cầu, do ca sĩ Kim Chi trình bày. Cán bộ, chiến sĩ ta lặng người khi những ca từ tha thiết ngân lên: “Dẫu núi có mòn, mà sông kia có cạn, miền Nam ơi, miền Nam nhớ mãi ơn Người, ơn Người thiết tha”. Tốp ca nữ hừng hực khí thế với “Sài Gòn quật khởi” của Hồ Bắc. Rồi bài “Cô gái vót chông” (nhạc Hoàng Hiệp) chất liệu âm nhạc của núi rừng Tây Nguyên, thể hiện lòng yêu nước thiết tha, ngợi ca tinh thần dũng cảm và sự thông minh của đồng bào các dân tộc thiểu số dùng vũ khí thô sơ đánh giặc, bảo vệ buôn làng. Điệu lý “Ru con Nam Bộ” quen thuộc, nghe mênh mang sông nước và thắm đượm tình người. Không khí thêm sôi nổi và vui nhộn khi Trọng Khanh gửi đến khán giả bài “Con voi” của Nguyễn Xuân Khoát, rồi “Chiếc đèn cù” của Đỗ Nhuận. Diễn viên Thanh Lự trổ tài với một số tiết mục ảo thuật, được các đoàn quốc tế ngợi khen.

Với cây đàn accordion, chị Tuyết Mai trình diễn bản nhạc “Polonaise” của nhạc sĩ thiên tài Ba Lan Kleofas Oginski; rồi kiệt tác “Phiên chợ Ba Tư” của nhạc sĩ lừng danh Albert William Ketèlbey. Tiếng đàn bầu của Phạm Hạng vút lên bản “Vì miền Nam” của Huy Thục, da diết, lắng sâu. Tình cảm Bắc-Nam quyện hòa, thể hiện khát vọng sum họp của cả dân tộc. Một vị khách quốc tế đã tiến đến nắm tay nghệ sĩ Phạm Hạng và xúc động thốt lên: “Unimaginable! Wonderful! Unique!” (dịch: Thật không thể hình dung nổi! Tuyệt vời! Thật độc đáo!).

Hôm sau, đài BBC đưa tin: “Thượng sĩ Vũ Thị Tường (bí danh của ca sĩ Mộng Tước), nhân viên tâm lý chiến của cộng sản Bắc Việt, giả danh là đầu bếp của phái đoàn Việt Cộng, đã diễn ca rất điệu nghệ để cổ xúy tinh thần cho hai phái đoàn thi hành hiệp định đình chiến của Bắc Việt và Việt Cộng đồn trú ở trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất…”.

Hoạt động của đội văn nghệ xung kích không chỉ đơn thuần là ca hát và biểu diễn nhạc cụ mà còn bao hàm cả mảng đối ngoại văn hóa-quân sự cực kỳ quan trọng, góp phần làm cho các phái đoàn quốc tế hiểu sâu thêm về cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nhằm tranh thủ mối thiện cảm của họ. Bởi vậy, từ sau buổi biểu diễn chào mừng ngày 22-12 thành công, hễ thấy có họp các đoàn là chúng tôi tranh thủ biểu diễn ngay, rất linh hoạt và mềm dẻo. Ngoài ra, anh chị em còn tổ chức các show nhỏ lẻ, phục vụ nhóm sĩ quan liên lạc của ta làm nhiệm vụ tại các chốt trên nhiều địa phương ở miền Nam trở về, hoặc đột xuất mỗi khi có nhà báo nước ngoài đến tác nghiệp.
Việc văn công biểu diễn trong trại Davis khiến đối phương vô cùng tức tối và hằn học, nhưng trước sự khôn khéo của ta, họ không thể làm gì được. Lời ca, ngón đàn của các nghệ sĩ-chiến sĩ luôn nhận được sự hoan nghênh và tán thưởng của các phái đoàn quốc tế.
Trong thời gian hai tháng lưu diễn, đội văn nghệ xung kích đã vận hết “công năng”, nhiệt tình biểu diễn và thường xuyên giữ nghiêm kỷ luật. Các nghệ sĩ luôn thể hiện tư thế hiên ngang và phong thái đàng hoàng, chững chạc của Văn công Quân Giải phóng miền Nam, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế. Khi chúng tôi kết thúc nhiệm vụ, rời trại Davis thì mùa xuân cũng về, người dân Sài Gòn hối hả chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Dần 1974.

NGUYỄN LAN CHI
Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.