Các loại QR Code thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam: sự khác nhau như thế nào?
Gần đây anh em có thể nhận thấy những cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng cách quét mã QR code ngày càng nhiều. Đây là một trong những cách thức thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng, an toàn và thuận tiện với mức độ bảo mật cao. Tuy vậy, mỗi hệ thống cửa hàng lại sử dụng những dịch vụ thanh toán có mã QR code riêng. Vậy thì những loại QR code nào đang phổ biến ở Việt Nam và sự khác nhau của chúng như thế nào? Anh em cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
VNPAY-QRĐây là hệ thống hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến nhất ở Việt Nam. Chắc chắn anh em cũng từng một lần nghe ưu đãi của VNPAY-QR trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các kênh bán lẻ ĐTDĐ, đồ công nghệ…
VNPAY-QR là sản phẩm của Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam. Điểm đáng chú ý của dịch vụ này là nó không có ứng dụng dành riêng cho khách hàng dùng cuối mà được tích hợp trong những ứng dụng ngân hàng trực tuyến của hơn 20 đối tác ngân hàng có liên kết với NAPAS tại Việt Nam. Các ứng dụng phổ biến để thanh toán bằng VNPAY-QR như Vietcombank, BIDV, Agribank, MBBank, VIB, VPBank, TPBank QuickPay… Vì vậy anh em đừng cài đặt ứng dụng VNPAYQR dành cho đơn vị kinh doanh vì đó không phải là công cụ thanh toán cho người dùng cuối. (Mình thấy app này trên Play Store bị cư dân mạng chấm điểm một hồi còn 2 sao).
Rõ ràng, VNPAY-QR có lợi thế rất lớn là việc có sẵn trong ứng dụng của những ngân hàng phổ biến tại Việt Nam. Chính vì vậy việc trích nguồn tiền từ tài khoản ngân hàng một cách nhanh chóng và an toàn. Những giao dịch thanh toán thông qua VNPAY-QR thường được chính chủ nhân thực hiện nên hạn chế tối đa việc xảy ra lỗi. Đa phần các ngân hàng đều gửi mã OTP dùng một lần để xác nhận chủ tài khoản trước khi giao dịch nên hình thức thanh toán này là vô cùng an toàn.
Hạn chế của VNPAY-QR đó là thao tác trong thực hiện chưa thực sự nhanh vì ưu tiên về vấn đề bảo mật. VNPAY-QR liên kết trực tiếp vào tài khoản thanh toán của người dùng giống như thẻ ATM. Và thẻ ATM thì mỗi lần thanh toán chúng ta cần phải bấm mã PIN. Một số ứng dụng ngân hàng có thể xác thực sinh trắc học cho những giao dịch có giá trị thấp (dưới 500.000 đồng hoặc 1 triệu). Người bán hàng có thể phải xem quá trình thao tác của người mua hàng để hướng dẫn vì số tiền của một mã VNPAY-QR thường chưa được nhập sẵn.
Với các trang web hỗ trợ thanh toán online, mã QR của VNPAY có sẵn số tiền giúp giảm thời gian thao tác và tăng độ chính xác cho giao dịch. Sau khi hoàn tất, trang web cũng tự chuyển đến giao diện thông báo đã thanh toán thành công. Những mã này có thể áp dụng cho những hệ thống
VNPAY-QR cũng hỗ trợ thanh toán QR áp dụng cho những ngân hàng liên kết với VISA MasterCard để dùng nguồn tiền từ thẻ tín dụng như Sacombank, TPBank, VIB... Tuy vậy nó không áp dụng hết cho tất cả đối tác ngân hàng khác của VNPAY.
Phải nói rằng việc thanh toán qua VNPAY-QR là cực kỳ an toàn. Mình có dùng thẻ thanh toán của VIB và khoá thanh toán internet nhưng vẫn thực hiện được việc thanh VNPAY-QR dễ dàng. Có thể kể đến một số đơn vị chấp nhận hình thức này phổ biến online gồm mua vé máy bay với Vietnam Airlines, VietJetAir, thanh toán Now, tiền điện thông qua trang web của EVN…
Ví điện tửHiện Việt Nam có khoảng hơn 20 ví điện tử đang hoạt động, trong đó phổ biến nhất là MoMo và Moca (GrabPay). Mỗi ví điện tử là một hệ sinh thái riêng và nó chỉ dùng chính ứng dụng đó cùng với mã QR code được tạo ra cho cửa hàng.
Mỗi ví điện tử sẽ có những sự tiện lợi và bất tiện khác nhau. Chẳng hạn như MoMo có hai hình thức thanh toán đó là mã thanh toán và tự quét mã. Hình thức đưa mã thanh toán cho nhân viên tính tiền có lẽ sẽ tiện lợi hơn so với cách quét mã QR code. Tuy vậy nó cũng đòi hỏi đơn vị bán hàng phải đầu tư thiết bị chuyên dụng.
Một số ví điện tử như Moca thì sử dụng cách thức quét mã QR giống như VNPAY-QR và nhập số tiền thanh toán. Cách này có ưu điểm là không cần phải đầu tư thiết bị chuyên dụng như kiểu MoMo. Tuy vậy hạn chế thì thao tác thanh toán của người dùng sẽ chậm hơn so với cách đưa mã thanh toán cho nhân viên tính tiền.
Hạn chế lớn nhất của các ví điện tử là không chơi chung với nhau: bạn không thể dùng MoMo để quét mã Moca hay ngược lại. Đó là lý do mà một người sở hữu nhiều ví điện tử trong thời buổi hiện nay là điều rất bình thường: đơn vị nào ưu đãi nhiều thì khách hàng dùng thôi.
Tuy vậy những ví điện tử có thể liên kết để hỗ trợ thanh toán lẫn nhau. Điển hình là ví VinID vừa hỗ trợ thanh toán QR của VNPAY-QR. Như vậy, khách hàng của Techcombank (đơn vị không có app liên kết VNPAY đã có thể thanh toán VNPAY-QR thông qua VinID. Dù vậy mình không rõ là những ưu đãi mã giảm giá của VNPAY-QR có được áp dụng trên VinID không? Anh em nào dùng thử rồi có thể chia sẻ nhé.
Các đơn vị chuyển mạch VISA, MasterCard, JCB…Các hệ thống mã QR code của các đơn vị này ít phổ biến hơn so với các công ty thanh toán trong nước. VISA, MasterCard hay JCB là những thương hiệu mạnh về thẻ tín dụng nhưng vẫn cung cấp tính năng thanh toán dạng QR code trong thời điểm này. Như mình nói ở phần VNPAY-QR: cách thức thanh toán QR code là cực kỳ bảo mật, bất chấp việc bạn chặn thanh toán thẻ qua internet.
Để sử dụng mã QR dạng này, những ngân hàng thành viên phải liên kết với VISA hay MasterCard như Sacombank, TPBank, VIB... Một số ứng dụng có thể sử dụng thanh toán dạng này như TPBank QuickPay, Sacombank Pay, MyVIB… Những ứng dụng này cho phép khách hàng sử dụng nguồn tiền từ thẻ tín dụng, không nhất thiết phải là tài khoản thanh toán thông thường. Có một lợi thế là những ngân hàng này đều quét được mã của VNPAY-QR.
Hiện tại các đơn vị chấp nhận thanh toán QR kiểu này ít phổ biến hơn cả VNPAY-QR hay MoMo. Lâu rồi mình có thấy cửa hàng KFC có quét QR code của VISA.
Như vậy, QR code dạng này là một hình thức giúp anh em xài nguồn tiền hay tín dụng từ thẻ mà không cần tiếp xúc vật lý. Nếu như Samsung Pay hay Apple Pay là thao tác với máy POS thì quét QR là mở app, cốt lõi là giống nhau nhưng khác cách thực hiện và thiết bị.
Như vậy, nếu ứng dụng ngân hàng có liên kết với VISA hay MasterCard là dùng được luôn cả VNPAY-QR, chỉ không dùng được mã QR của ví điện tử thôi.
Có thể thấy, hình thức thanh toán QR code hoàn toàn có thể thay thế thẻ vật lý, cũng như sử dụng được nguồn tiền từ thẻ tín dụng. Tuy vậy mỗi nền tảng lại đưa ra những ứng dụng thanh toán riêng khiến smartphone của anh em sẽ đầy dãy những ứng dụng thanh toán để sử dụng. Chắc chắn việc hợp nhất một chuẩn mã QR code cho mọi ứng dụng là điều không thể xảy ra. Vì thế anh em thấy nền tảng nào tiện dụng hay ưu đãi nhiều thì có thể cân nhắc sử dụng.