tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Họ là vợ của 4 anh lính trên xe tăng 390 đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975.

Đó là các chị Nguyễn Thị Đông – vợ anh Vũ Đăng Toàn, trưởng xe; Nguyễn Thị Ngọc – vợ anh Lê Văn Phượng, pháo thủ số 2; Nguyễn Thị Bé – vợ anh Ngô Sĩ Nguyên, pháo thủ số 1; Nguyễn Thị Tiến – vợ anh Nguyễn Văn Tập, lái tăng. Bốn chị chưa bao giờ được thưởng huân chương, phần thưởng vinh dự Nhà nước tặng cho bốn chị là 4 tấm bằng Gia đình vẻ vang – tấm bằng dành cho những gia đình có chồng con đi bộ đội. Mới một lần gặp gỡ bốn chị đã thôi thúc tôi cầm lấy cây bút.
Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, phần thưởng đến với Tiến là bức thư của Học – anh trai Tập - gửi từ TP.HCM ra. Thư rằng: Học ở bộ binh, Tập ở xe tăng, hai anh em vừa gặp nhau ở Sài Gòn nên mới biết hai anh em cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tập đã lập chiến công xuất sắc – lái xe tăng húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập, tiến sát thềm Dinh.
Đọc thư, cả nhà vui như hội, cả xóm cũng vui lây, một đồn mười, mười đồn trăm, tin vui loang ra cả xã Hoàng Diệu. Trong cơn xúc động “xã mình có người húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập”, anh cán bộ thông tin xã đã hoà chậu nước vôi vẽ ngay vào tấm cót hình một xe tăng đang húc đổ cánh cổng sắt rồi đem dựng ngay công trình “phục vụ kịp thời” ấy ở trụ sở ủy ban xã.
Niềm vui ấy bỗng hoá nỗi buồn khi các trang báo, các chương trình phát thanh không hề nhắc đến xe tăng của Tập húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Dân Hoàng Diệu chê Tập bốc phét. Đến ngày Tập trở về, phần thưởng của vợ lính tăng chỉ là thấy chồng còn lành lặn, lưng cõng chiếc ba lô toàn quần áo cũ, trên nắp cài con búp bê và cái ô Sài Gòn, trên vai đeo chiếc khung xe đạp.
Tiến nói chuyện với chồng về chuyện xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Tập chỉ nói: Tôi đã lái xe húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Chỉ cần nhà cứ tin là tôi không nói dối. Lý lẽ của số đông làm Tiến tuy có chung chiêng nhưng Tiến vẫn tin chồng như vẫn hằng tin.
Những năm trước Ngô Sĩ Nguyên vẫn về Nam Định tuyển quân, có lần Nguyên về tận quê Nguyễn Thị Bé nhận lính. Sau Chiến thắng 30/4, Bé tốt nghiệp Trung cấp Dược, được điều lên làm việc ở Hà Nội. Một lần gặp Nguyên, Bé hỏi bây giờ anh làm ở đâu, Nguyên trả lời làm công nhân bốc xếp ở Cảng Phà Đen. Bé quý Nguyên cái tính thật thà, không mầu mỡ riêu cua. Hai người nên vợ nên chồng.
Vào thời kinh tế khủng hoảng, một tháng lương chỉ đủ sống trong 20 ngày, Bé xách một làn trứng vịt lộn đem bán ở cổng cơ quan còn Nguyên thồ hạt hướng dương, thịt bò khô, đi bỏ hàng cho các hàng nước. Tuy nghèo như thế nhưng hàng năm cứ đến ngày 30/4, Bé cũng làm một bữa tươi cho cả nhà liên hoan chào mừng ngày toàn thắng, còn Nguyên lại kể trận đánh chiếm Dinh Độc Lập cho các con nghe.
Chính xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập, chứ không phải xe tăng 843 như báo và đài phát thanh, đài truyền hình vẫn giới thiệu. Bé tin Nguyên là người thật thà, hai cháu nhỏ vẫn tin bố Nguyên luôn dạy con không được nói dối, chắc chắn bố không nói dối.
Mưa dầm thấm sâu nên khi cô giáo Hoa ở lớp 5H giảng là xe tăng 843 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập thì cháu Thịnh – con trai Nguyên đã giơ tay xin nói chính xe tăng 390 mới là xe húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập. Cô giáo Hoa lên báo cáo với Hiệu trưởng chuyện này. Một người chỉ thấy thầy cô giảng sai sách là mình phải uốn nắn, thế mà bây giờ nghe một cháu bé nói sách sai, ông phải báo cáo lên trên.
Hồi đó bà Francoise Demulder vừa sang Việt Nam tìm 4 chiến sĩ xe tăng 390, xem họ sống ra sao trong những ngày hậu chiến nhưng chỉ gặp được 3 người, không gặp được Nguyên – người lính cách mạng vui tính bà đã gặp ở thềm Dinh Độc Lập sáng 30/4/75.
Đạo diễn Phạm Việt Tùng lúc ấy không sao tìm được Ngô Sĩ Nguyên để bắt tay vào làm bộ phim Bốn chiến sĩ xe tăng 390. Khi sang Khương Trung, tình cờ nghe được câu chuyện lý thú đó, Phạm Việt Tùng hỏi thăm dân địa phương, tìm đến Khu tập thể Đường sông gặp được Ngô Sĩ Nguyên.
Từ đó, nhà Ngô Sĩ Nguyên trở thành điểm liên lạc của 4 thành viên trên xe tăng 390: Tập hợp quân đi làm phim, đi trả lời phỏng vấn các báo. Đùng một cái trên tờ báo địa phương và tờ báo đạt số lượng phát hành khá lớn đưa tin, đăng phóng sự và in ảnh anh P.D.L là người “thay thế pháo thủ số 2 của xe 390 cũng có mặt trên xe lúc húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập”.
Bé rất lo không biết câu chuyện hư thực thế nào, Bé luôn tin vào chồng mình và các bạn của chồng: Những người đã từng bị lãng quên chắc chắn không bao giờ lại quên đồng đội. Cả Ngọc lẫn Tiến, Đông cũng tin chồng mình không phải là người dễ quên đồng đội đã cùng mình chung lưng trong bão lửa.
Nguyên phải gọi điện mời Toàn, Tập ở Hải Dương về, mời Phượng ở Sơn Tây xuống. Bốn anh em ngồi lập lại danh sách những người có mặt trong xe từ trận đánh căn cứ Nước Trong đến trận đánh tiêu diệt xe tăng ngụy ở cầu Sài Gòn rồi đến lúc dừng bánh xích ở sát thềm Dinh Độc Lập. Không trận đánh nào có P.D.L trên xe và cả hai bài báo đều viết P.D.L là người thay thế pháo thủ số 2 Tăng Văn Thành.
25 năm đã qua rồi, bốn anh em phải ngồi điểm từng pháo thủ số 2 trong đại đội mới phát hiện Tăng Văn Thành, người Cao Lan, quê ở Nà Hang (Tuyên Quang) vốn là lính của phân đội công binh của Lữ đoàn 203, trong chiến đấu được bổ sung cho xe 380 chứ không phải xe 390. Bé vừa làm cơm đãi khách vừa theo dõi câu chuyện sôi nổi của bốn anh em.
Phải công nhận Nguyên có một trí nhớ tuyệt vời, anh nhớ từng chiến sĩ và cả quê quán từng người trong đại đội tăng. Anh em đề xuất ý kiến Lê Văn Phượng thay Đỗ Cao Trường làm pháo thủ số 2, vậy phải tìm bằng được Đỗ Cao Trường, Nguyên nói ngay: Đỗ Cao Trường lúc ấy là con một ông xã đội trưởng ở xóm 5, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Lúc ấy đã là 5 giờ chiều, tuy chưa một lần xuống Khoái Châu, Nguyên vẫn tin đường đi ở miệng, quyết phóng xe máy đi tìm Trường bằng được. Nghe thủng câu chuyện, Đỗ Cao Trường bảo vợ trông nhà rồi nhảy lên yên hậu theo Nguyên ra ngay khu tập thể Đường sông, Hà Nội.
Đỗ Cao Trường cho biết sau khi tiêu diệt đơn vị M.48 ngụy ở căn cứ Nước Trong, Đỗ Cao Trường bị thương, Lê Văn Phượng lên làm pháo thủ số 2 thay Trường. Lúc ấy trên xe có Nguyễn Xuân Tảo, y tá, P.D.L nhân viên kỹ thuật theo xe đến cầu Sài Gòn. Sau trận đánh đẫm máu ở cầu Sài Gòn, đại đội tiếp tục hành quân vào nội thành. P.D.L được phân công ở lại giúp đơn vị bạn cứu một xe tăng đang sa vào bãi lầy rồi theo xe 380 tiến về Sài Gòn. Năm anh em cùng ký vào bản giải trình xác minh anh P.D.L không có mặt trong xe tăng 390 khi đánh chiếm Dinh Độc Lập gửi Ban chỉ huy Lữ đoàn xe tăng 203.
Xong công việc, Bé mới nói với Nguyên: Bốn anh bao nhiêu lần gặp nhau còn bốn chúng em chẳng bao giờ được nhìn thấy mặt nhau, chứ chưa nói đến chuyện cùng nhau tâm tình. Nguyên như người bừng tỉnh: ờ nhỉ, phải chờ thời cơ nữa chứ.
Và thời cơ đã đến, Lê Văn Phượng mượn được chiếc xe máy “cào cào” đưa Ngọc về Hà Nội khám bệnh. Nguyên lúc bấy giờ đã bán xe lam, mua được một xe U-oát chở hàng, chở khách, Nguyên với Phượng tổ chức cuộc gặp mặt bốn vợ lính tăng 390, Phượng đồng ý ngay. 2 giờ sau, chiếc U-oát đã chở Nguyên, Bé, Phượng, Ngọc đến Thượng Bì.
Toàn cho người đi Hoàng Diệu gọi Tập, Tiến sang. Bốn bà vợ lính cùng chịu cảnh mỏi mắt chờ tin chồng, cùng hứng chịu những lời chê của dân làng khi sự việc chưa được làm sáng tỏ, cùng là chỗ dựa cho chồng khi chồng bị lãng quên, cùng chia sẻ nỗi buồn của chồng trong cuộc sống ngổn ngang, khi gặp nhau, chưa kịp biết tên nhau là gì, chỉ kịp kêu to “Chị” rồi nhảy vào ôm choàng lấy nhau, như bốn chị em đi lấy chồng xa, hôm nay trở về nhà anh cả mới gặp nhau.
Đông – vợ Toàn cao tuổi nhất hội, như bà dâu trưởng đứng ra cắt đặt từng việc cho buổi liên hoan cuộc gặp mặt hiếm có này.
Nếu ngay từ ngày 30/4/1975, chiến công húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập được công nhận và nếu bây giờ Vũ Đăng Toàn đã được phong đại tá, Lê Văn Phượng cũng lên thượng tá, Ngô Sĩ Nguyên lên trung tá, Nguyễn Văn Tập lên thiếu tá thì bốn ông tá ấy chưa chắc đã được dân mến dân yêu như bây giờ và bốn bà tá ấy làm gì biết mặt nhau, làm gì được hưởng niềm vui đầm ấm trong cuộc gặp mặt hôm nay.
Niềm vui Trời Đất ban cho mới hiếm, mới quý, như vậy đấy!
Ai đang xem chủ đề này?
  •  Guest
Di chuyển  
  • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.