tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
XƯỞNG VŨ KHÍ CỦA NGHĨA QUÂN HƯƠNG KHÊ QUA NGUỒN TÀI LIỆU LỊCH SỬ TRONG NƯỚC

Đến giữa thế kỷ XIX, một tai họa đè lên vận mạng của dân tộc ta, đó là họa xâm lăng của đế quốc Pháp. Khác với những thế lực xâm lăng trước trong lịch sử các tập đoàn phong kiến Trung Quốc mà trình độ khoa học kỹ thuật cũng tương đương như dân tộc ta, lần này tư bản thực dân Pháp có một nền khoa học kỹ thuật hiện đại cao hơn hẳn nền khoa học kỹ thuật cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Để bước đầu giải quyết mối mâu thuẫn trên đây, Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh nhận thấy rằng muốn đương đầu và chiến thắng quân thù không những cần lòng hy sinh dũng cảm giết giặc mà còn phải có những lực lượng vật chất khả quan, có lương thực và nhất là vũ khí. Trong việc trang bị kỹ thuật cho nghĩa quân của các phong trào kháng Pháp hồi cuối thế kỷ XIX thì cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã có những đóng góp lớn lao. Đó là việc chế tạo được súng trường kiểu 1874 của Pháp.
Đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa được đặt ở Vụ Quang và bao gồm nhiều khu căn cứ. Khu căn cứ Vụ Quang - Ngàn Trươi gồm nhiều đồn luỹ, trong đó có căn cứ đóng quân Làng trong cách thành 5km về phía Đông Bắc với bãi tập, xưởng rèn, kho lương. Khu đồn Cồn Bội cách thành 18km về phía Đông Bắc với các lò rèn vũ khí, hầm chứa vũ khí, lương thực. Khu căn cứ Thượng Bồng, Hạ Bồng gồm một hệ thống đồn luỹ, trong đó có rú Cồi (Khôi Sơn), rú Cọng (Điếm Sơn). Tại đây có một số lò rèn vũ khí do ông Phó Bích làm hiệp quản chỉ huy. Các lò rèn đều bố trí gần các khe suối để bảo đảm bí mật, như ở các khe Nhà Trận, rú Sui, rú Công, rú Cồi v.v... quân số làm việc rèn này lên đến hàng trăm người. Lò rèn Xá Lễ là một khu lò rèn lớn cung cấp vũ khí cho nghĩa quân. Theo các cụ phụ lão địa phương cho biết thì hồi nghĩa quân dựng lò rèn tại đây, khu vực này còn rất rậm rạp, tại chỗ có lúc tập trung từ 200 đến 300 thợ, có đến 30 gian lán trại dựng dọc theo các khe suối quanh vùng và các hiệp thợ thay phiên nhau làm việc từ tờ mờ sáng cho đến tối. Khu căn cứ Trùng Khê - Trí Khê cũng có cả một hệ thống đồn trại, bãi tập, xưởng vũ khí.

Đồng thời với việc xây dựng và phát triển các khu căn cứ, nghĩa quân thấy trước hết là phải làm thế nào có súng mẫu để theo đó chế súng mới, mua thì không đời nào Pháp bán cho nên phải tổ chức cướp súng. Được tin có một toán lính đi từ Nghệ An lên đồn Phố Châu gồm hai sĩ quan Pháp và 15 lính tập mang theo tiền lương và có súng, con đường này lại xuyên qua nhiều khu rừng rậm rất thuận tiện cho việc phục kích. Cao Thắng đã trực tiếp chỉ huy một toán nghĩa quân phục kích cướp được 17 khẩu súng, hai hòm đạn và tiền bạc. Đây là loại súng mới với cỡ nòng 11mm, bắn bằng thuốc đạn không khói. Cao Thắng lên vùng Thượng Bồng, mời Lê Phác tức Kiểm Phất, người xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ) và Lê Quyên (tức Đội Quyên, người làng Yên Hồ, huyện Đức Thọ) và một số thợ rèn giỏi của vùng Nghệ Tĩnh cùng nghiên cứu khẩu súng của giặc để chế tạo. Những người thợ thủ công đã phát huy hết trí sáng tạo của mình lấy phương tiện thô sơ để làm ra vũ khí hiện đại. Để chế tạo bộ máy cò phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao, người ta tháo một khẩu súng Pháp ra từng bộ phận và rèn theo mẫu đó, xong lắp vào súng bắn thử, nếu được thì cứ theo mẫu mà làm, chưa được thì phải nghiên cứu sửa chữa lại bằng được mới thôi. Nòng súng là một bộ phận yêu cầu hợp kim cao, người ta có sáng kiến là uốn bằng sắt và củng cố thêm bằng nhiều vòng sắt ở bầu nòng cho chắc thêm và để khi bắn khỏi bị vỡ. Lò xo kim hoả cần thép cứng và dẻo đã được nghĩa quân thay bằng loại gọng ô. Mọi bộ phận nghiên cứu xong, Cao Thắng đưa lên vùng Lệ Động hơn 300 thợ rèn của hai làng Trung Lương và Vân Chàng, 30 thợ gỗ và mộc ở làng Xa Lang để làm báng súng và một số thợ bạc để làm vỏ đạn, một số thợ đúc đồng để đúc đạn. Cao Thắng tổ chức sản xuất theo lối dây chuyền và chuyên môn hoá. Về nguyên liệu, ông cho người đi khắp các làng quê, mua hoặc quyên tất cả những thứ như nồi đồng, mâm đồng, sắt cũ, sắt vụn, cầy cuốc hư hỏng của nhân dân đem về căn cứ đúc súng. Đồng bào lương và giáo đã nhiệt liệt hưởng ứng, có người bớt cả đồ đồng đang dùng. Có bài viết cho biết Cao Thắng đã mời Cổ Khai, cha xứ ở Thọ Ninh, Thọ Tường (Đức Thọ) vào Cồn Chùa để thương lượng việc này3. Dân làng Thượng Bồng đốt than lim là một loại than có nhiệt độ cao để cho lò rèn rèn súng. Ngoài việc sản xuất súng, ông còn nghĩ cách chế thuốc súng theo kiểu thủ công, gồm than xoan tán nhỏ và diêm tiêu để nhồi vào đạn hoặc vượt rừng núi qua đường Lào sang tận Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) mua thuốc súng. Sau nhiều tháng trời lao động quên mình vì nghĩa lớn, Cao Thắng và những người thợ rèn ở vùng Nghệ Tĩnh đã tự chế được gần 350 khẩu súng kiểu 1874, kỹ thuật không khác gì nhiều so với của địch. Thành công này đã làm cho nghĩa quân phấn khởi và tin tưởng ở thắng lợi của mình:
Súng ta, chế được vừa xong
Đem ra mà bắn nức lòng lắm thay
Bắn cho tiệt giống quân Tây
Cậy nhiều súng ống phen này hết khoe4.
Khi Cao Thắng mất, ông mới 29 tuổi. Trong bài văn tế chữ nôm do Phan Đình Phùng đọc trong ngày chung thất, Cụ cũng đã nhắc đến tài năng sáng tạo của con người anh hùng trẻ tuổi đối với nghĩa quân: “Thiên tài toán học chước Võ Hầu, chế súng đạn biết bao chừng cơ trí”.

Ngô Văn Hòa- Phó Giáo sư Viện Sử học.
Ai đang xem chủ đề này?
    Di chuyển  
    • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
    • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.