tuankiet
  • Bài viết: 86
  • Gia nhập: 20-12-2019
Vũ khí của nghĩa quân Hương Khê dưới mắt người Pháp

Thực dân Pháp cũng rất quan tâm chú ý đến trang thiết bị quân sự của nghĩa quân Hương Khê, nên ngay từ đầu thế kỷ XX, đại uý Ch. Gosselin trong quyển sánh L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam) đã viết về thành tựu này như sau:
“Ông (tức Phan Đình Phùng. N.V.H chú thích) đã biết đào tạo các chiến binh của mình theo cung cách kỷ luật và hành binh theo kiểu châu Âu, đó là điều mà chúng ta chưa bao giờ nhận thấy từ trước cho đến lúc đó, trang phục cho quân lính bằng những bộ quần áo tương tự như những binh lính người bản xứ và cuối cùng là trang bị cho các chiến binh bằng các khẩu súng kiểu 1874, những khẩu súng này được sản xuất bí mật tại những địa điểm mà chúng ta không phát hiện ra được và với một khối lượng rất nhiều. Tôi đã mang về Pháp vài khẩu súng này, những khẩu súng này giống về tất cả mọi phương diện với những khẩu súng do các công binh xưởng của chúng ta sản xuất và đã làm cho các sĩ quan pháo binh mà tôi đưa cho họ xem phải hết sức ngạc nhiên, những khẩu súng này chỉ khác với những khẩu súng của chúng ta về hai điểm mà thôi: lò xo xoáy ốc tôi chưa đủ và lòng súng không có xẻ rãnh; hậu quả của điều này là đạn đi không xa; tuy nhiên những khẩu súng này đã bắn chết rất nhiều binh lính và sĩ quan người Âu và binh lính người bản xứ” (Nxb Perrin et Cie, Paris, 1904, tr.313).
Gần đây trong luận án Tiến sĩ quốc gia nhan đề “Les contacts Franco Vietnamiens en Annam et au Tonkin de 1885 à 1896” (Những sự tiếp xúc Pháp Việt ở Trung và Bắc Kỳ từ 1885 tới 1896); Ch. Fourniau đã cho công bố nhiều bản báo cáo đương thời của bọn thực dân Pháp đã tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Thực dân Pháp có mô tả một số doanh trại của nghĩa quân mà chúng chiếm được: “doanh trại của Phan Đình Phùng bao gồm nhiều dãy nhà bằng gỗ được xây dựng rất tốt (những chỗ ở cho các tướng lãnh và trại lính chứa đến 300 người) và một xưởng vũ khí khá rộng có thể chứa đến 30 công nhân”. Cũng toán lính này phát hiện ở một chỗ không xa một doanh trại khác, gồm 12 căn nhà, chứa được từ 150 đến 200 người. Người ta tìm thấy nhiều lò rèn và những dụng cụ để làm vỏ đạn và 4.000 khẩu phần gạo mà nghĩa quân bỏ lại khi rút lui.
Báo cáo của Le Normand ngày 11-5-18951 cho biết lúc ban đầu, cuộc khởi nghĩa Hương Khê cũng giống như các cuộc khởi nghĩa khác trong nước về mặt trang bị kỹ thuật, vũ khí của nghĩa quân là bạch khí, nghĩa là chỉ gồm gươm giáo mác, mã tấu v.v... chưa có vũ khí hiện đại. Từ 1890, nghĩa quân đã tổ chức được một cuộc phục kích thành công, thu được một tá súng trường. Phấn khởi trước thành tích, sau đó nghĩa quân đã liên tiếp tổ chức nhiều cuộc phục kích nữa để cướp súng, những trận sau đó Đề Mậu và Đề Niên chỉ huy. Theo báo cáo của Công sứ Nghệ Tĩnh Duvillier, ngày 17-12-18952, những người thợ làm những công đoạn khó khăn trong việc chế tạo súng đã được nghĩa quân trả công cao hơn rất nhiều so với mức bình thường ở ngoài xã hội.
Về những người thợ thủ công này, báo cáo của Le Normand viết tiếp: “Phan Đình Phùng đã sử dụng những người quê ở La Sơn đã từng là người làm vũ khí ở trên các pháo hạm hoặc trong các xưởng của hải quân, hoặc là thợ máy tại các hãng Daniel Chatmont... Những người này lại tuyển mộ ở Hà Nội những người làm vũ khí khác người bản xứ. Sau đó Phan Đình Phùng mới trưng dụng những người thợ rèn, thợ bạc, thợ mộc và thợ gỗ để làm ra súng. Việc sản xuất này được thúc đẩy nhanh chóng và chẳng bao lâu các toán quân đều được trang bị những vũ khí lợi hại. Những xưởng sản xuất được thiết lập trong những kho tại dãy núi Ngàn Trươi và Ngàn Phố, những người làm vũ khí và thợ bạc đã chế ra những quy lát từ chất thép được nấu theo phương pháp Catalane (một phương pháp nấu thép từ quặng sắt mà không phải trải qua giai đoạn gang. N.V.H chú thích). Họ cũng sản xuất các bộ phận bằng đồng, và những vỏ đạn bằng đồng do họ trưng dụng được từ các mâm và nồi đồng ở các làng quê. Nòng súng được đúc trong núi, hoặc tại các làng thợ rèn, chẳng hạn như ở Vân Chàng. Báng súng được chuẩn bị ở mỗi nơi một ít và ở khắp mọi nơi”.
Hơn thế nữa người ta còn ra chợ Vinh để mua sắt, thép, chì, công việc này do em gái Phan Đình Phùng mà tài liệu của Pháp viết là Bà Thị Giang đảm nhiệm (Báo cáo của Brière ngày 14-2-1896. Phụ lục số 3. Biên bản hỏi cung Lê Vang ngày 1-10-1894). Một phần nhỏ lò xo xoắn ốc là do từ nguồn Hà Nội mang vào. (Tôi không biết do ai gửi vào Tôi cũng không rõ những nguồn cung cấp khác về lò xo xoắn ốc. Lê Vang khai như vậy).
Ngoài việc chế tạo súng trường tại chỗ, cụ Phan còn tìm cách mua được một ít vũ khí đạn dược ở Xiêm. Từ 1891, Cao Đạt đã nhiều lần sang Xiêm để làm công việc này. Luce cho biết kết quả cụ thể đạt được như sau: 94 Li-vơ-rơ (500 gr) Xan pết (Kali nitrat, N.V.H chú thích), 53 túi hạt nổ to, 100 túi hạt nổ nhỏ, 110 túi thuốc súng, và một lần khác mua được 21.000 hạt nổ nhỏ, 30 túi hạt nổ to, 1 khẩu Lefaucheux và 66 viên đạn, 1 súng lục và 100 viên đạn, hai súng ngắn và 72 viên đạn3. Báo cáo của Le Normand đưa ra những con số khác, một lần 15 súng lục và một lần khác 50 súng lục. Thực dân Pháp thừa nhận đại bộ phận vũ khí là do nghĩa quân sản xuất ở trong nước. Le Normand ước lượng là tổng số vũ khí do nghĩa quân sản xuất và sử dụng cho đến 1895 là từ 1200 đến 1300 khẩu. Nếu tính cả số thiệt hại và phá huỷ do quân Pháp gây ra nhiều lần khi tấn công vào các căn cứ địa của nghĩa quân, thì tổng số vũ khí do nghĩa quân chế tạo được lên đến hàng ngàn khẩu. Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, tháng 1-1897 thực dân Pháp đã mang ra bán làm sắt vụn những vũ khí của nghĩa quân mà chúng thu được, trọng lượng của đống hàng này lên đến hơn hai tấn rưỡi sắt, bao gồm: 403 khẩu súng, 328 nòng súng, 103 súng có pít tông (fusil à piston), 436 dao (biên bản việc bán ngày 26-11-1897 và báo cáo của tổng sứ 10-10-1896.
***
Qua những nguồn tài liệu vừa trình bày bên trên, chúng ta thấy nổi bật thành tựu mà nghĩa quân Hương Khê đã đạt được là chế tạo thành công được súng trường kiểu 1874, về mặt chất lượng gần đạt tiêu chuẩn quốc tế và về mặt số lượng lên đến hàng ngàn khẩu, một số lượng lớn lao mà không một cuộc khởi nghĩa nào khác hồi thế kỷ XIX cũng như sau này đạt được. Điều này cho phép nghĩa quân Hương Khê không ngừng lớn mạnh và đủ sức đánh giặc lâu dài. Người ta cũng thấy mặc dù chưa có chính quyền trong tay, phương tiện vật chất thiếu thốn nghèo nàn hầu như không có gì, trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật hiện đại lại thấp nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn xả thân vì nghĩa lớn, nghĩa quân Hương Khê đã dám lao vào tấn công một trận tuyến mới, đó là lãnh vực khoa học kỹ thuật tiên tiến và đã thu được một số thành tựu rất đáng tự hào và khâm phục. Tất nhiên lúc đó chưa thể có được những thành tựu ngang với kẻ địch về mặt này vì bối cảnh lịch sử chưa cho phép. Nhưng dù sao điều này cũng đã nói lên tài trí thông minh sáng tạo, vượt khó khăn của nghĩa quân Hương Khê cũng như của dân tộc Việt Nam chúng ta, đặt cơ sở cho những bước phát triển ngày càng cao hơn của các thế hệ sau trong việc nối bước truyền thống của các bậc tiền bối, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến và hiện đại. Trong thời kỳ cận hiện đại của lịch sử Việt Nam, Cao Thắng đã nêu một tấm gương về tinh thần sáng tạo kỹ thuật, biết dùng và đối xử đúng đắn với thợ giỏi, khắc phục khó khăn, tổ chức dây chuyền sản xuất theo kiểu hiện đại, thật xứng đáng là người có công đầu trong việc sản xuất vũ khí hiện đại cũng như vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới.

Phó Giáo sư Ngô Văn Hòa ( Viện Sử học)
Ai đang xem chủ đề này?
  •  Guest
Di chuyển  
  • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.